Giá vàng hôm nay 23/7: Thế giới tiếp tục giảm, SJC đứng yên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giá vàng trên thị trường thế giới tiếp tục giảm, một lần nữa rớt khỏi ngưỡng tâm lý quan trọng 1.800 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng trong nước không thay đổi.
Hình minh họa
Hình minh họa

Tại thị trường vàng trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 22/7:

Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 56,80-57,47 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 22/7. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 670.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 56,95-57,55 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 22/7. Chênh lệch giá mua - bán vàng 600.000 đồng/lượng.

Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng niêm yết ở mức 56,80-57,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 22/7. Chênh lệch giá mua – bán vàng 700.000 đồng/lượng.

Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng hôm nay được niêm yết ở mức 1.796 USD/ounce, giảm 7,3 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.120), tương đương 50,59 triệu đồng/lượng. Thấp hơn giá vàng trong nước 6,88 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giảm do đồng USD tăng mạnh. Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, tăng 0,07% lên 92,82.

Bên cạnh đó, sự phục hồi của tâm lý rủi ro, trong khi giới đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương (ECB) vào cuối ngày 22/7, vàng một lần nữa rớt khỏi ngưỡng tâm lý quan trọng 1.800 USD/ounce.

Theo Margaret Yang, chiến lược gia tại DailyFX, giá vàng đang chịu áp lực vì đồng USD đang dao động quanh mức cao nhất 3 tháng và thị trường Phố Wall tăng điểm trở lại trong ngày thứ hai liên tiếp, nghĩa là các nhà giao dịch đang loại bỏ những lo ngại về virus và quay trở lại giao dịch theo kỳ vọng lạm phát.

Chứng khoán châu Á phục hồi nhờ đà tăng trong đêm trên Phố Wall, khi các nhà đầu tư phần lớn bỏ qua lo ngại về biến thể Delta và lạm phát.

Các nhà hoạch định chính sách của ECB sẽ lần đầu tiên thực hiện các thay đổi đối với chiến lược của họ và chắc chắn cam kết các biện pháp kích thích thậm chí trong thời gian dài hơn để thúc đẩy lạm phát. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tiếp tục tăng từ đáy 5 tháng cũng gây áp lực lên kim loại quý.