Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 8h30 sáng nay:
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức 55,25-55,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 520.000 đồng/lượng.
Tại Tập đoàn Doji, giá vàng niêm yết ở mức 55,20-55,80 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 600.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn Phú Quý, giá vàng niêm yết ở mức 55,25-55,75 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 500.000 đồng/lượng.
Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam), giá vàng được niêm yết ở mức ở mức 1879 USD/ ounce, giảm 15,4 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch cuối tuần. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.220), giá vàng thế giới tương đương 53,15 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC trong nước khoảng 2,6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới nhanh chóng giảm mạnh bởi thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua dự luật cứu trợ Covid-19 và dự luật ngân sách với tổng trị giá 2.300 tỷ USD, để nối lại các chương trình hỗ trợ cho người dân và tài trợ cho các cơ quan của chính phủ hoạt động cho hết năm 2021.
Tổng thống Trump từng đe dọa sẽ không ký hai dự luật này, do mức trợ cấp cho người dân quá thấp, song trước nguy cơ chính phủ phải tạm dừng hoạt động khi ngân sách tạm thời hết hạn vào ngày 28/12, ông Trump đã phải “nhượng bộ”.
Gói hỗ trợ mới của Mỹ được cảnh báo là có nguy cơ đẩy lạm phát và nợ chính phủ tăng cao nhưng cũng được đánh giá là liều “thuốc tăng lực” đối với bức tranh tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào lúc này. Chính sự kỳ vọng này đã thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến các tài sản rủi ro và điều này đã khiến giá vàng hôm nay đi xuống.
Tuy nhiên, đà giảm của giá vàng ngày 29/12 cũng được hạn chế nhiều bởi lo ngại diễn biến của dịch Covid-19. Sự xuất hiện của biến thể mới của chủng virus SARS-CoV-2. Sau khi một loạt các nước châu Âu tuyên bố các biện pháp phong toả, cách ly nền kinh tế thì tại châu Á, tiếp sau Nhật Bản, Indonesia cũng quyết định đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.