Tại thị trường vàng trong nước, chốt phiên giao dịch cuối tuần:
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 57,55-58,27 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 23/10. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 720.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 57,55-58,15 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giữ nguyên mức giá chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 23/10. Chênh lệch giá mua - bán vàng 600.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng niêm yết ở mức 57,40-58,10 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 23/10. Chênh lệch giá mua – bán vàng 700.000 đồng/lượng.
Nếu tính từ đầu tuần, giá vàng SJC đã tăng khoảng 500.000 đồng/lượng và đang ở vùng đỉnh cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Dù giá vàng thế giới và trong nước đang ghi nhận xu hướng tăng tích cực nhiều tuần gần đây. Trong đó, giá vàng miếng trong nước đang giao dịch quanh vùng cao nhất kể từ tháng 8/2020. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng hiện tại không phải thời điểm thích hợp để mua vàng.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những yếu tố giá cả trên thị trường thế giới hiện tại có thể ảnh hưởng tới thị trường trong nước và khiến tỷ lệ lạm phát gia tăng trong năm nay. Tuy nhiên, ông cho rằng điều này không đáng lo để ảnh hưởng tới giá vàng trong nước.
“Lạm phát năm nay có thể tăng nhưng chỉ lên trên 4%, không thể tăng lên mức 7-8% được. Vì vậy, không thể mua vàng và coi đây là công cụ chống lạm phát trong nước”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cho rằng nếu nhà đầu tư mua vàng như một tài sản tích trữ, đầu tư dài hạn thì có thể mua bất cứ lúc nào. Nhưng nếu mua để chờ tăng giá ăn chênh lệch lúc này, nhà đầu tư sẽ chịu rất nhiều rủi ro.
Hiện giá vàng thế giới và trong nước đang ghi nhận biến động liên tục, đặc biệt là chênh lệnh giá giữa 2 thị trường lên tới 8-9 triệu đồng/lượng, người mua vàng sẽ là đối tượng trực tiếp chịu lỗ từ mức chênh lệch này.
“Khi giá vàng trong nước cao hơn quá nhiều so với thế giới, hiện tượng buôn lậu vàng cũng sẽ xảy ra. Khi nguồn vàng giá rẻ nước ngoài được tuồn vào trong nước bán với giá cao, điều này có thể kéo giá trong nước xuống và người mua vàng tiếp tục chịu rủi ro”, ông Hiếu phân tích.
Tại thị trường vàng thế giới (chốt phiên giao dịch cuối tuần): giá vàng được niêm yết ở mức 1.792 USD/ounce. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (22.855), tương đương 49,90 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 8,32 triệu đồng/lượng.
Tính chung cả tuần, giá vàng tăng 1,6%, mức tăng theo tuần mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 27/8. Mức tăng này đánh dấu tuần tăng giá thứ tư trong năm tuần qua.
Tình hình lạm phát cao sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2022. Vàng thường được coi là hàng rào chống lạm phát, mặc dù việc cắt giảm các gói kích thích kinh tế và tăng lãi suất đã đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ lên cao, làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Các chuyên gia phân tích của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS (Thụy Sỹ) nhận định rằng sự gia tăng trong các dự đoán về lạm phát và sự “hạ nhiệt” các dự đoán về tăng trưởng có thể là yếu tố hỗ trợ giá vàng trong một, hai tháng tới.
Tuần này, trong 15 nhà phân tích Phố Wall tham gia cuộc khảo sát thị trường vàng của Kitco News, 13 người (tương đương 87%) kỳ vọng giá vàng tăng; 2 nhà phân tích còn lại (13%) cho ý kiến trung lập về vàng; không ai dự báo giá vàng sẽ giảm.
Trong khi đó, với 598 phiếu bầu trong cuộc thăm dò trực tuyến trên Phố Main, 360 người được hỏi (tương đương 60%) dự báo giá vàng sẽ tăng vào tuần tới; 134 người khác (22%) dự báo giảm; trong khi 104 người (17%) cho ý kiến trung lập.
Chủ tịch của Darin Newsom Analytics, dự báo giá vàng cao hơn trong tuần tới. Yuy nhiên, điều đó phụ thuộc lớn vào USD và nếu USD Index ở mức 93,50 được giữ vững, vàng có thể đạt đỉnh sớm trong tuần tới.