Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 8h sáng nay:
Giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 56,05-56,77 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 350.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 720.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 56,15-56,55 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 350.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng 400.000 đồng/lượng.
Tại Tập đoàn DOJI giá vàng niêm yết ở mức 56,10-56,60 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 350.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 500.000 đồng/lượng.
Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam), giá vàng sáng nay được niêm yết ở mức 1.948,5 USD/Oune, tăng 2,6 USD/Ounce so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.270), tương đương 55,24 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đang đảo chiều đi lên trong bối cảnh giới đầu tư đang lo ngại dịch bệnh Covid-19 sẽ bùng phát mạnh mẽ vào mùa đông, nhất là sau khi có thông tin ngừng thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 và sau khi Mỹ công bố số liệu của thị trường lao động xấu hơn dự kiến và ECB giữ nguyên lãi suất ở mức siêu thấp.
Như vậy, thị trường vàng đang chứng kiến một số động lực mua mới. Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ cho biết có 884.000 người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần tính đến ngày thứ Bảy (5/9) vừa qua. Nền kinh tế số 1 thế giới đang tiếp tục chịu tác động ngày càng lan rộng của dịch bệnh Covid-19. Mặc dù số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống dưới 1 triệu người song con số 844 nghìn người cũng đã xấu hơn nhiều so với dự đoán 838 nghìn người của giới quan sát. Những lo lắng về thể trạng của nền kinh tế khiến cho nhà đầu tư e ngại các tài sản rủi ro và tìm đến tài sản an toàn như vàng.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thêm động lực để đổ tiền vào vàng khi tại cuộc họp chính sách ngày 10/9 theo hình thức trực tuyến, Hội đồng thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt và các chương trình kích thích để ứng phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng do Covid-19.
Theo đó, ECB đã giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi ở mức -0,5%. Đồng thời chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trong thời gian dịch bệnh trị giá 1.350 tỷ Euro tức tương đương 1.600 tỷ USD cũng tiếp tục được duy trì, dự kiến kéo dài đến cuối tháng 6/2021 hoặc cho đến khi ECB đánh giá giai đoạn khủng hoảng do Covid-19 đã kết thúc.
Diễn biến cho thấy, thị trường vàng biến động khó lường trong bối cảnh USD có phần suy yếu so với nhiều đồng tiền khác. Vàng cũng đã không giảm mạnh và không đánh mất mốc 1.900 USD/ounce như nhiều người lo ngại.
Giới phân tích dự báo, trong ngắn hạn xu hướng của giá vàng hết sức khó đoán. Tuy nhiên, theo xu hướng kỹ thuật, nếu vàng tiến lên giữ vững trên ngưỡng 1.950 USD/ounce thì mới có khả năng theo xu hướng tăng trở lại. Vàng cũng có thể sẽ quay đầu tăng giá khi USD mất đà hồi phục.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, khả năng vàng tăng giá nhanh không cao bởi lạm phát tại Mỹ và nhiều nước có thể tăng chậm khi mà sức tiêu dùng vẫn còn yếu thời kỳ hậu Covid-19.