Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 9h sáng nay:
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 71,5-73,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 2,6 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 3,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 2 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 71,60-73,60 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 2,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 2,7 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 2 triệu đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 71,50-73,60 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 2,1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 2,6 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 2,1 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.987,50 USD/ounce, giảm 11,10 USD/ounce so với phiên giao dịch sáng qua. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (22.990), tương đương 55,66 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 17,84 triệu đồng/lượng.
Tình hình căng thẳng ở Ukraine tiếp tục chi phối biến động của thị trường vàng. Căng thẳng tại Ukraine bước sang tuần thứ 2 và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Mỹ và châu Âu vẫn đang xem xét việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga, điều này càng làm gia tăng thêm sự lo lắng trên thị trường, cũng như tiếp tục khiến cho tình trạng lạm phát vốn đã “nóng” trở nên nghiêm trọng hơn. Các nhà phân tích cho rằng, lạm phát tăng cao sẽ tiếp tục đặt gánh nặng lên các ngân hàng trung ương.
Khảo sát trên Kitco cho thấy, giá vàng chắc chắn tăng mạnh trong tuần này. Trên thực tế, vàng đã tăng mạnh trong phiên đầu tuần và thử ngưỡng 2.000 USD/ounce. Tuy nhiên, vàng vẫn được dự báo sẽ còn tăng giá cho dù Mỹ có tăng lãi suất.
Theo đó, chừng nào cuộc chiến ở Ukraine còn tiếp tục, thì vàng sẽ còn mạnh.
Theo OANDA, chưa có dấu hiệu nào cho thấy giao tranh ở Ukraina sẽ giảm leo thang và thế giới đối mặt với suy giảm tăng trưởng. Điều đó sẽ kích thích dòng tiền chảy vào tài sản an toàn hơn nữa, trong đó có kim loại quý.
Vàng còn được dự báo tăng khi các tổ chức lớn đẩy mạnh mua vàng. Ngân hàng Trung ương Nga cũng nối lại hoạt động mua vàng chính thức sau hai năm gián đoạn.
Gần đây, Ngân hàng Goldman Sachs đã nâng mức kỳ vọng về giá vàng lên 2.150 USD/ounce. Chiến sự ở Ukraina sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu khi giá năng lượng cao hơn và vàng được xem là hàng rào chống lại các lệnh trừng phạt của Nga.