Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 8h sáng nay:
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 68,55-69,47 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 920.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 68,55-69,35 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 800.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 68,50-69,35 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 850.000 đồng/lượng.
Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.873,20 USD/ounce, tăng 4,7 USD/ounce so với phiên giao dịch sáng qua. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.350), tương đương 53,29 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 16,18 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tăng mạnh trở lại trong bối cảnh đồng USD quay đầu giảm nhanh sau khi Mỹ công bố số liệu về thị trường lao động đáng thất vọng.
Cụ thể, theo Báo cáo việc làm sơ bộ tháng 5 được công bố thứ Năm theo giờ Mỹ cho thấy số việc làm mới được tạo ra tại Mỹ tháng này là 128.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với con số 428.000 việc làm mới trong tháng Tư.
Báo cáo sơ bộ này là tiền thân của báo cáo tình hình việc làm chính thức của Mỹ được công bố vào sáng thứ Sáu theo giờ địa phương với dự kiến số lượng việc làm phi nông nghiệp tăng thêm 328.000 việc làm mới.
Cũng theo báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ dự kiến là 3,5%, so với 3,6% được báo cáo vào tháng Tư.
Một dữ liệu kinh tế nữa tác động tới các thị trường là báo cáo chỉ số giá sản xuất tháng 4 tại Khu vực đồng Euro tăng mạnh một cách đáng kinh ngạc 37,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân đẩy giá sản xuất tại châu Âu tăng mạnh chủ yếu do chi phí năng lượng tăng mạnh. Nếu không bao gồm năng lượng, chỉ số giá đầu vào tại khu vực này tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo một số chuyên gia, vàng khó tăng mạnh trong ngắn hạn và lạm phát đang là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch Covid-19.
Còn theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu về vàng trên toàn cầu trong quý I/2022 tăng 34% so với cùng kỳ năm trước do những căng thẳng địa chính trị và các đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương.
Về mặt kỹ thuật, mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự 1.900 USD/ounce. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc cũng là mức giá thấp nhất tháng 5 là 1.785 USD/ounce.