Giá vàng trong nước giảm sâu, thế giới phục hồi trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mở đầu phiên giao dịch sáng ngày 17/5, giá vàng trong nước giảm mạnh trong khi đó, giá vàng trên thị trường thế giới phục hồi trở lại.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 8h30 sáng nay:

Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 68,25-69,27 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 250.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua và và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 1,02 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 68,40-69,10 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 300.000 đồng.lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 700.000 đồng/lượng.

Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 68,20-68,90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 500.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 700.000 đồng/lượng.

Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.824,50 USD/ounce, tăng 9,2 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.240), tương đương 51,66 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 17,61 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới tăng trở lại do đồng USD giảm giá so với nhiều ngoại tệ khác, giá dầu thô vọt lên 112 USD/thùng, lãi suất trái phiếu Mỹ giảm từ trên 3%/năm xuống còn 2,8%/năm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, giá vàng có thể không đi xa khỏi mức 1.800 USD, do bị kìm hãm bởi sức mạnh của USD và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao, trong khi được hỗ trợ bởi triển vọng suy thoái.

Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 16/5 cho thấy, sản xuất công nghiệp, một thước đo hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, khai khoáng..., đã giảm 2,9% trong tháng 4. Đây là mức thấp nhất kể từ khi sản xuất công nghiệp của Trung Quốc giảm 25,87% vào tháng 2/2020 khi đại dịch bùng phát mạnh ở Vũ Hán và thấp hơn kỳ vọng của thị trường, cũng như mức tăng 5% trong tháng 3.

Doanh số bán lẻ trong tháng 4 của nước này đã giảm 11,1% so với một năm trước đó, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2020. Dịch vụ ăn uống bị đình chỉ ở một số tỉnh, thành khiến doanh thu trong tháng 4 giảm 22,7%. Doanh số bán ô tô cũng giảm 47,6% so với một năm trước do các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng.

Mặc dù được xem là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ lạm phát, song vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất ngắn hạn và lợi suất trái phiếu của Mỹ, điều này làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.