Chiều 15/5, liên Bộ Tài chính - Công Thương thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh mới. Thời gian áp dụng từ 15h.
Tại kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng E5RON92: không cao hơn 19.180 đồng/lít (tăng 403 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 414 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 19.594 đồng/lít (tăng 415 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 17.228 đồng/lít (tăng 419 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 17.226 đồng/lít (tăng 285 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 16.160 đồng/kg (tăng 627 đồng/kg so với giá cơ sở hiện hành).
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 19 phiên điều chỉnh, trong đó có 8 phiên giảm, 8 phiên tăng và 3 phiên trái chiều.
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, phương án điều hành giá xăng dầu như trên nhằm bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường.
Liên quan đến giá xăng dầu, mới đây Bộ Công Thương đã công bố dự thảo lần 6 Nghị định Kinh doanh xăng dầu, trong đó có nhiều thay đổi lớn. Theo đó, nguyên tắc điều chỉnh giá bán xăng dầu đã được Bộ Công Thương điều chỉnh hoàn toàn theo hướng thị trường và Nhà nước chỉ can thiệp theo Luật Giá để ổn định thị trường khi có cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường.
Giá bán xăng dầu được tính bằng công thức: Chi phí tạo nguồn + chi phí kinh doanh + lợi nhuận + thuế giá trị gia tăng. Trong đó, chi phí tạo nguồn, gồm: chi phí tạo nguồn từ nguồn nhập khẩu, chi phí tạo nguồn từ nguồn trong nước, do thương nhân tự xác định theo thực tế kinh doanh, thay vì Bộ Công Thương sẽ áp khung giá như các dự thảo trước.
Tương tự, chi phí kinh doanh là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước thực tế, gồm chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng.
Lợi nhuận sẽ do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tự xác định theo thực tế kinh doanh. Còn thuế giá trị gia tăng sẽ thực hiện theo quy định pháp luật về thuế.
Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối sẽ được tự tính toán và công bố giá bán buôn, giá bán lẻ xăng dầu trong và ngoài hệ thống của mình, sau đó thông báo về Bộ Công Thương, UBND cấp tỉnh, Sở Công Thương và Chi cục Quản lý thị trường nơi thương nhân có hệ thống phân phối.