Giá xăng có thể vọt lên mức mới trong kỳ điều chỉnh tới?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước tình hình giá dầu thế giới liên tiếp tăng cao bất chấp kế hoạch nâng sản lượng của OPEC+, nhiều doanh nghiệp dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng trong kỳ điều chỉnh tới.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 6/6 tăng 3-5 USD/thùng so với ngày 1/6 ở mức 150,5 USD/thùng đối với xăng RON 92, xăng RON 95 là 157,4 USD/thùng. Đáng chú ý, dầu diesel tăng vọt gần 10 USD/thùng, lên 170,6 USD/thùng.

Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành trước là 144 USD/thùng xăng RON 92; 151,9 USD/thùng xăng RON 95 và 146,963 USD/thùng dầu diesel...

Bộ Công Thương - Tài Chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào lúc 15h chiều 13/6 vì kỳ điều chỉnh ngày 11/6 trùng với ngày nghỉ.

Theo một số thương nhân, doanh nghiệp phân phối xăng dầu, trong những ngày gần đây, giá dầu thế giới biến động mạnh. Với mức giá này, dự đoán giá bán xăng trong nước có thể tiếp tục tăng khoảng 500-900 đồng/lít, dầu diesel sẽ tăng hơn 2.000 đồng/lít. Từ nay đến ngày 13/6, nếu giá dầu thô tiếp tục tăng thì giá xăng dầu trong nước sẽ không dừng ở mức tăng này.

Ở thời điểm hiện tại, giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện đang ở mức: Xăng E5RON92 không cao hơn 30.235 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 31.578 đồng/lít; Dầu diesel không cao hơn 26.394 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 25.346 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 20.901 đồng/lít.

Theo Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu trong nước hiện theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, giá bán xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Công tác điều hành giá xăng dầu trong nước đang bám sát theo diễn biến giá xăng dầu thế giới; đồng thời linh hoạt sử dụng Quỹ BOG để hạn chế tối đa mức tăng giá xăng dầu trong nước (hiện nay giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu trong nước so với mức giá kỳ điều hành ngày 11/01/2022 tăng khoảng từ 25,89% đến 42,40%, thấp hơn so với tốc độ tăng của giá xăng dầu thành phẩm thế giới khoảng từ 42,90% đến 56,97%).

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 đã ghi nhận mức tăng 0,38% so với tháng trước. Trong đó, CPI khu vực thành thị tăng 0,34% và khu vực nông thôn tăng 0,42%. Đáng chú ý, 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá so với tháng trước và chỉ 1 nhóm hàng giảm giá.

Theo cơ quan này, chỉ số giá của 10/11 nhóm hàng hóa này tăng cao do ảnh hưởng tiêu cực của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay. Đây là hệ quả tác động của giá xăng dầu đến lạm phát và tăng giá CPI nhiều nhóm mặt hàng.