Giá xăng dầu hôm nay - 1/6: Dầu Brent neo ở mức 122,8 USD/thùng, giá xăng chiều nay thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng nay, giá dầu thô thế giới quay lại đà tăng sau khi giảm trong phiên giao dịch ngày 31/5. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước được dự báo tăng mạnh trong chiều nay.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giá xăng dầu thế giới

Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 7h30 ngày 1/6 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 115,1 USD/thùng, tăng 0,39 USD/thùng, tương đương tăng 0,34%; giá dầu thô Brent giao ở mức 122,8 USD/thùng, tăng 1,17 USD/thùng, tương đương tăng 0,96%.

Giá dầu giảm trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (31/5) sau khi một báo cáo cho hay một số nhà sản xuất đang xem xét việc tạm đình chỉ sự tham gia của Nga trong thoả thuận OPEC+.

Mặc dù không có áp lực chính thức nào buộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) bơm thêm dầu để bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt tiềm năng nào của Nga, một số thành viên Vùng Vịnh đã bắt đầu lên kế hoạch tăng sản lượng trong vài tháng tới, Wall Street Journal đưa tin, trích dẫn phát biểu của các đại biểu OPEC.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 1,7% xuống 115,6 USD/thùng sau khi lên tới 120,8 USD/thùng vào đầu phiên. Trong khi đó, giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,4% xuống 114,67 USD. Đầu phiên, có thời điểm giá lên tới 119,98 USD, mức cao nhất của dầu thô Mỹ kể từ ngày 9/3.

Sau đó, giá dầu tăng nhẹ trở lại trong phiên giao dịch sáng nay - 1/6, hiện dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 115,1 USD/thùng, tăng 0,39 USD/thùng; giá dầu thô Brent giao ở mức 122,8 USD/thùng, tăng 1,17 USD/thùng.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng ngày 1/6 cụ thể như sau: Xăng E5RON92: không cao hơn 29.630 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 30.658 đồng/lít; Dầu diesel không cao hơn 25.550 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 24.400 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 20.590 đồng/lít.

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 27/5 tiếp tục tăng. Cụ thể, xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 có giá 146,08 USD/thùng, còn xăng RON 95 là 154, 26USD/thùng, cùng tăng 4,3 USD/thùng so với ngày 23/5.

Tương tự, giá dầu hỏa và dầu diesel cũng tăng 9 USD/thùng và 11 USD/thùng, lần lượt ở mức 146,43 USD/thùng và 149,49 USD/thùng. Riêng dầu mazut giảm 7,5 USD/thùng xuống còn 652,59 USD/tấn.

Với diễn biến của giá dầu thế giới, giá xăng trong nước ở kỳ điều chỉnh chiều nay 1/6 sẽ tiếp tục tăng lần thứ 5 liên tiếp, giá xăng RON 95 có thể vượt mốc 31.000 đồng/lít.

Xăng dầu tăng giá kỷ lục là nguyên nhân chính khiến mặt bằng giá cả các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đều tăng phi mã. Theo Tổng cục Thống kê, dăng dầu, lương thực, hàng hoá thiết yếu tăng giá là nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng 5 tăng 0,38%.

Trong mức tăng 0,38% của CPI tháng 5/2022 so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,34% đã tác động làm CPI chung tăng 0,23% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 04/5/2022, 11/5/2022 và 23/5/2022 làm cho giá xăng tăng 5,93%; giá dầu diezen tăng 3,99%.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 1,06% do giá nhiên liệu tăng; giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,05%; thuê ô tô, xe máy tự lái tăng 0,22%; phụ tùng tăng 0,17%.

Nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,74% do nhu cầu đi lại, nghỉ dưỡng của người dân quay trở lại. Nhóm đồ uống, thuốc lá hay các mặt hàng lương thực cũng có sự điều chỉnh về giá do nguyên liệu đầu vào, vận chuyển tăng..

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,18% do giá nguyên phụ liệu sản xuất tăng vì ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, và chiến lược zero Covid từ Trung Quốc. Theo đó, giá quần áo may sẵn tăng 0,25%; mũ nón tăng 0,2%; dịch vụ may mặc tăng 0,25%; dịch vụ giày, dép tăng 0,4%.

Chỉ số giá nhiều nhóm hàng hoá trong tháng đi lên là lý do khiến CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 5/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,25%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.