Giá xăng giảm mạnh lần thứ 3 liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với đà giảm của giá thế giới cùng việc áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, giá xăng dầu tiếp tục ghi nhận mức giảm trong kỳ điều hành lần này...
Giá xăng tiếp tục giảm từ 15h chiều nay (12/4).
Giá xăng tiếp tục giảm từ 15h chiều nay (12/4).

Cụ thể, tại kỳ điều hành lần này, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng E5RON92 ở mức 550 đồng/lít và RON95 ở mức 650 đồng/lít, dầu diesel ở mức 500 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 350 đồng/lít và dầu mazut không trích lập.

Chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu đối với mặt hàng dầu mazut ở mức 481 đồng/kg, các mặt hàng xăng dầu khác không chi.

Sau khi thực hiện điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Xăng E5RON92: không cao hơn 26.471 đồng/lít (giảm 838 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 847 đồng/lít;

Xăng RON95-III: không cao hơn 27.317 đồng/lít (giảm 836 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 24.380 đồng/lít (giảm 700 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

Dầu hỏa: không cao hơn 23.027 đồng/lít (giảm 737 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 20.929 đồng/kg (ổn định so với giá bán lẻ hiện hành).

Như vậy, đây là lần thứ 3 liên tiếp giá xăng trong nước giảm, sau 7 lần tăng trước đó.

Kỳ điều hành lần này, do Quỹ BOG đang âm, trong khi thị trường xăng dầu thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định điều chỉnh linh hoạt công cụ Quỹ BOG để bảo đảm giá xăng dầu trong nước giảm theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới và có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới.

Riêng mặt hàng dầu mazut do là mặt hàng sử dụng cho đầu vào của một số ngành công nghiệp, vận tải… nên mặc dù giá thế giới tăng nhưng Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định chi sử dụng Quỹ BOG để giữ ổn định giá.

Việc điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.