Giá xăng trong nước tăng mạnh chiều nay?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng nay, giá dầu thô thế giới đồng loạt tăng, giá xăng dầu trong nước cũng được dự báo tăng mạnh vào chiều nay.
Giá xăng trong nước dự báo tăng mạnh vào chiều nay (Ảnh minh họa).
Giá xăng trong nước dự báo tăng mạnh vào chiều nay (Ảnh minh họa).

Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 5h30 ngày 21/7 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 75,63 USD/thùng, tăng 0,28 USD/thùng tương đương tăng 0,37%; giá dầu thô Brent giao ở mức 79,64 USD/thùng, tăng 0,18 USD/thùng tương đương tăng 0,23%.

Giá dầu tăng do dự trữ dầu thô của Mỹ giảm thấp hơn dự kiến và triển vọng nhu cầu yếu hơn khiến các nhà đầu tư thận trọng. Giá đã tăng trong phiên trước đó khi dữ liệu cho thấy hàng tồn kho của Mỹ giảm ít hơn dự đoán của các nhà phân tích.

Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau khi chấm dứt các biện pháp kiềm chế COVID-19 đã không đạt được kỳ vọng. Nhập khẩu dầu của nước này so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng gần một nửa trong tháng 6, nhưng đồng thời mức dự trữ cũng tăng lên gần mức cao nhất mọi thời đại.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và Cơ quan Năng lượng quốc tế cho biết nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay và vẫn sẽ là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu.

Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu hôm nay: Xăng E5RON92 có mức giá 20.419 đồng/lít; Xăng RON95-III ở mức 21.497 đồng/lít; Dầu điêzen 0.05S là 18.616 đồng/lít; Dầu hỏa là 18.320 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S là 15.288 đồng/kg.

Giá xăng dầu trên được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/7 của liên Bộ Tài chính - Công Thương và sẽ được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều nay (21/7). Theo dự đoán, giá xăng trong nước tại kỳ điều chỉnh chiều ngày hôm nay có thể tăng ở mức từ 500 – 1.000 đồng/lít, trong khi đó các loại dầu có thể tăng trong khoảng từ 400 – 600 đồng/lít.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, với hạ tầng xăng dầu, dự trữ dầu thô và sản phẩm chế biến xăng dầu đáp ứng tối thiểu 20-25 ngày nhập ròng, xăng dầu thương mại đáp ứng 30-35 ngày, còn hạ tầng dự trữ quốc gia là 15-30 ngày nhập khẩu ròng.

Với LPG, hạ tầng dự trữ đạt sức chứa tới 800.000 tấn giai đoạn 2021-2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030.

Do vậy, Việt Nam sẽ xây mới 500.000m3 kho chứa xăng dầu đến 2030 phục vụ dự trữ quốc gia. Kho dự trữ dầu thô sẽ được xây mới 1-2 kho tại các khu vực gần nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn), với tổng công suất 1-2 triệu tấn dầu thô.

Với hạ tầng dự trữ thương mại, sẽ tiếp tục khai thác 89 kho hiện nay và mở rộng, nâng công suất các kho thương mại lên khoảng 1,4 triệu m3. Cùng đó, 59 kho xăng dầu thương mại sẽ được xây mới tại các địa phương, tổng công suất khoảng 5,1 triệu m3.

Hệ thống đường ống xăng dầu hiện có với 580,9km cũng sẽ được đầu tư nâng cấp sau đó xây mới tuyến ống dẫn nhiên liệu bay từ kho đầu nguồn tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu về kho sân bay Long Thành.

Tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng, huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ dành riêng cho hạ tầng dự trữ quốc gia.