Giải 'bài toán khó' bảo đảm hậu cần diễn tập

(PLO) - Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) là đơn vị bộ binh đủ quân thường xuyên thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, đặc biệt là diễn tập vòng tổng hợp, đưa đơn vị vào hoạt động sát điều kiện chiến đấu với rất nhiều công việc phải làm và khối lượng vật chất hậu cần phải vận chuyển, bảo đảm. Vì vậy, có thể nói việc bảo đảm hậu cần trong diễn tập vòng tổng hợp là một “bài toán khó”.
Trung đoàn 66 diễn tập tiến công địch ở địa hình rừng núi tháng 5/2016
Trung đoàn 66 diễn tập tiến công địch ở địa hình rừng núi tháng 5/2016

Trong đó, khó khăn nhất là chuyển từ bảo đảm hậu cần tập trung tĩnh tại sang cơ động, phân tán nhiều nơi; từ bếp ăn cấp tiểu đoàn, tách ra các bếp ăn đại đội, trung đội, bố trí ở nhiều nơi dọc đường hành quân và các vị trí trú quân.

Mặt khác, địa hình thực hiện nhiệm vụ diễn tập của Trung đoàn 66 là địa bàn rừng núi, hiểm trở, độ dốc cao, chất đất cứng, đá nhiều, đường cơ động tiếp tế lương thực, thực phẩm bằng cơ giới hạn chế, nguồn nước tự nhiên bảo đảm sinh hoạt khó khăn, thời tiết thay đổi thất thường... 

Nắm chắc nhiệm vụ, hiểu kỹ địa bàn

Để giải “bài toán khó” đó theo Thiếu tá Hoàng Mạnh Thế - Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 66 - thì đầu tiên phải nắm chắc nhiệm vụ, địa bàn, nắm chắc thực lực và tích cực, chủ động trong công tác chuẩn bị. Các loại vật chất hậu cần (quân lương, quân nhu, doanh trại, xăng dầu, vận tải, trang bị quân y...) phục vụ cho đơn vị diễn tập vòng tổng hợp đều được chủ động dự phòng, cất trữ, hoặc liên hệ trước để sẵn sàng tiếp nhận, cấp phát.

Cơ quan hậu cần hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị chuẩn bị các kế hoạch, phương án và duy trì đầy đủ vật chất bảo đảm cho sẵn sàng chiến đấu; tổ chức huấn luyện, tập huấn, hướng dẫn tỉ mỉ cho chỉ huy và cán bộ, nhân viên hậu cần cấp tiểu đoàn, đại đội về nội dung công tác bảo đảm hậu cần trong diễn tập vòng tổng hợp và thực hành chiến đấu.

Tìm hiểu thực tế ở Trung đoàn 66 được biết, khi diễn tập vòng tổng hợp đơn vị tổ chức bếp ăn cấp trung đội là phổ biến, mang lại hiệu quả cao. Khi đó, khu vực triển khai hậu cần sẽ nhỏ gọn, vật chất hậu cần mang vác đơn giản, dễ cơ động; dự trữ cho nấu ăn tại bếp ít, thời gian nấu nhanh hơn, nguồn nhiệt, khói lửa tán phát ít, nên bảo đảm tính bí mật cao, giảm thiệt hại khi bị địch phát hiện, hoặc thiên tai.

Làm tốt huấn luyện hậu cần

Giải quyết vấn đề vận tải trong điều kiện phương tiện, nhân viên hậu cần có hạn, song lượng vật chất hậu cần phải vận chuyển, cung cấp lớn và phân tán, Trung đoàn 66 đã thực hiện triệt để phân cấp bảo đảm đến từng người, từng phân đội.

Thiếu tá Hoàng Mạnh Thế cho biết thêm: “Chúng tôi đã chủ động đề xuất với cấp ủy, chỉ huy đơn vị tổ chức tốt công tác huấn luyện hậu cần, tập trung vào huấn luyện cách thức bảo đảm hậu cần cho các hình thức tác chiến; các kiến thức về ăn, ở dã ngoại, sắp đặt, gói buộc ba lô, mang vác trang bị vật chất cá nhân, sử dụng tăng, võng dã ngoại và đặc biệt là huấn luyện cho đội ngũ nuôi quân thành thạo về kỹ thuật đào đắp, sử dụng bếp Hoàng Cầm, 5 kỹ thuật cấp cứu, chuyển thương hỏa tuyến...”. 

Được biết, khi diễn tập vòng tổng hợp, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66  có thể hành quân bộ trên 200km, ngoài quân trang cá nhân, bộ đội còn phải mang theo 5 đến 7 ngày lương thực, thực phẩm, dụng cụ cấp dưỡng và các loại quân lương, quân trang chiến đấu. 

Vì vậy, trong quá trình huấn luyện, đơn vị đã thường xuyên tổ chức tốt hành quân rèn luyện để cán bộ, chiến sĩ quen với điều kiện hành quân xa, mang vác nặng. Trong diễn tập, cán bộ, nhân viên hậu cần được phân công đi theo từng phân đội để hướng dẫn, kiểm tra và trực tiếp bảo đảm hậu cần, góp phần cùng đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Đọc thêm