Nhu cầu lớn…
Số liệu từ Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho thấy, hiện nay cả nước hiện có trên 1,2 triệu công nhân, lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở. Đặc biệt là tại những khu đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM
Chỉ riêng trên địa bàn Tp.HCM, theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP HCM HoREA, có khoảng 377.000 công nhân lao động đang làm việc tại 17 khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao và 21 cụm công nghiệp cần chỗ ở. Tuy nhiên, hiện TP. HCM mới chỉ giải quyết được 15% nhu cầu.
Tại Hội thảo “Về thực trạng nhà ở trên địa bàn TP.HCM” được tổ chức mới đây, số liệu thống kê từ HoREA cho thấy, thành phố hiện có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần ¼ tổng số hộ gia đình. Có 143.000 hộ có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội, chiếm tỷ lệ 65% - 94% đối tượng khảo sát. Hơn 20.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, nâng cấp hoặc tái định cư.
Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số của TP.HCM theo chu kỳ cứ 5 năm tăng 1 triệu người đã đặt chính quyền thành phố trước những áp lực và thách thức không nhỏ về hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội…, trong đó có áp lực về chỗ ở.
…Triển khai nhỏ giọt
Dù nhu cầu về NOXH là rất lớn, nhưng thực tiễn phát triển các dự án NOXH thời gian qua cho thấy những bất cập mà phân khúc này đang vướng phải khiến cho NOXH thiếu tính hấp dẫn đối với các chủ đầu tư.
Hiện nay Chính phủ cũng đã có một số chính sách ưu đãi cho các chủ đầu tư khi phát triển NOXH, nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu được nêu trong “Chương trình nhà ở quốc gia”. Các chính sách ưu đãi này được nêu trong Điều 58 Luật nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý NOXH.
Cần sớm tháo gỡ những bất cập về chính sách cho NOXH. |
Theo quan sát của HoREA, hiện nay khu vực TP.HCM đã có nhiều doanh nghiệp BĐS tư nhân đang đầu tư cho phân khúc này, như: Công ty Nam Long, TTC Land, Công ty Thuận Kiều - Vạn Thái, Công ty Lê Thành, Công ty Hoàng Quân, Công ty Thủ Thiêm, Công ty Sài Gòn Res, Công ty Thiên Phát, Công ty Phú Cường, Tanimex, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn…
Tuy nhiên, thực tế khi triển khai phát triển NOXH còn tồn đọng khá nhiều bất cập, như việc ưu đãi nguồn vốn, quỹ đất, thuế…. và một số chính sách phát triển còn nhiều hạn chế.
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng đã từng chia sẻ quan điểm, các quy định pháp luật nhằm đẩy nhanh việc rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tiến độ lập và thẩm định, phê duyệt các quy hoạch phân khu chi tiết và công bố cụ thể các quỹ đất để phát triển từng loại nhà ở, trong đó có NOXH, các đối tượng được hưởng chế độ về nhà ở… vẫn còn có những sự chồng chéo quan điểm giữa các bộ ngành và trong các văn bản pháp luật khác nhau.
Về tình trạng này, ông Lê Văn Nghĩa (công ty Lê Thành) cho biết: “Mặc dù Chính phủ đã quy định ưu đãi cho chủ đầu tư được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Nhưng thực tế, hiện nay Tổng Cục Thuế đã có Văn bản 4216/TCT-TTHT ngày 17/10/2019, căn cứ điểm q Khoản 2 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2016 và khoản 2.b Điều 13 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2013 áp cho DN thuế suất 5% thuế giá trị gia tăng và áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp”.
“Điều đó quá bất hợp lý và làm khó cho doanh nghiệp. Vì để triển khai các dự án NOXH, doanh nghiệp còn phải đáp ứng hai yếu tố trong điều kiện được hưởng ưu đãi và loại hình ưu đãi. Chưa kể đến việc để thu hồi vốn thì, doanh nghiệp phải kéo dài đến tận 20 năm” – ông Nghĩa nói.
Rõ ràng, đối với các đô thị nói chung, một đô thị không ngừng phát triển như TP.HCM nói riêng, việc triển khai tốt chương trình NƠXH không chỉ là nhiệm vụ kinh tế - xã hội, mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần cùng nhau tháo gỡ khó khan, đưa ra chính sách phù hợp và khả thi để việc phát triển chương trình NOXH đảm bảo được mục tiêu bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội.