Căng thẳng giữa hai nước đã bị đẩy lên nhanh chóng sau hàng loạt cuộc khẩu chiến, với đỉnh điểm là lời đe dọa của Triều Tiên sẽ nhấn chìm đảo Guam - nơi Mỹ đang duy trì Căn cứ Không quân Andersen - trong biển lửa, và trước đó là tuyên bố sẽ tung đòn “bão lửa và cơn thịnh nộ” vào Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Khủng hoảng Mỹ-Triều: Không có cơ chế ngăn ngừa
Giữa Mỹ và Triều Tiên trên thực tế không có các cơ chế để ngăn ngừa khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát như giữa Mỹ và Nga trong nhiều thập kỷ qua. Những cơ chế này bao gồm các đường dây liên lạc nóng, trao đổi hoạt động vệ tinh và cho phép máy bay bay trên không phận của nhau để giám sát hoạt động quân sự của đối phương. Đó là lý do tại sao căng thẳng Mỹ-Triều Tiên nhanh chóng bùng phát.
Hai nước không duy trì quan hệ ngoại giao, bởi vậy đều không có cơ quan đại diện ở nước đối phương. Mỹ và Triều Tiên duy trì liên lạc thông qua phái đoàn tại LHQ, các sứ quán ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) và trong các cuộc gặp của giới chức tại Bàn Môn Điếm - nằm tại biên giới quân sự chia cắt bán đảo Triều Tiên từ sau khi hiệp định đình chiến được ký kết. Mỹ cũng gửi thông điệp tới Triều Tiên qua Trung Quốc, hoặc Thụy Điển - nước đại diện cho lợi ích của Mỹ tại Triều Tiên.
Theo cựu cố vấn Nhà Trắng Gary Samore, hiện làm việc tại Trung tâm các Vấn đề Khoa học và Quốc tế Belfer (thuộc Đại học Harvard), Hàn Quốc và Triều Tiên từng duy trì một đường dây nóng, song nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cắt đứt kênh liên lạc này vào năm 2013 và từ chối khôi phục nó.
Điều mà Mỹ và Triều Tiên cần hiện nay là thiết lập các kênh liên lạc trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo, giữa quân đội với quân đội, và sau đó là đảm bảo rằng các kênh liên lạc này là đáng tin cậy, an toàn và đảm bảo trong trường hợp nảy sinh xung đột…
Giữa Mỹ và Triều Tiên không có các cơ chế ngăn ngừa khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát |
Mối đe dọa với Mỹ và năng lực của Triều Tiên
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) Dan Coats cuối tháng 7 vừa qua đã gọi chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là một “mối đe dọa tiềm ẩn đối với Mỹ”. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, mối đe dọa này với Mỹ không giống như mối đe dọa từ các kho hạt nhân của Nga và Trung Quốc.
Triều Tiên quả thực là mối đe dọa đối với Mỹ, nhưng còn là mối đe dọa lớn hơn cho các quốc gia đồng minh của Mỹ trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản. Khả năng Triều Tiên có thể phóng một đầu đạn hạt nhân tới Mỹ, xét cho cùng, vẫn còn là vấn đề đang tranh cãi. Tấn công Mỹ bằng tên lửa sẽ rất khác với tấn công bằng đầu hạt nhân có khả năng vượt qua được bầu khí quyển để tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Chuyên gia về hạt nhân của Mỹ, ông Siegfried Hecker - người đã từng nhiều lần tới thăm các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, cho rằng hiện quốc gia này chưa sở hữu hệ thống vũ khí đủ sức nhấn chìm đảo Guam trong biển lửa. Theo ông Hecker, Triều Tiên không có những vũ khí hạt nhân tân tiến như của các cường quốc hạt nhân khác như Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc hay Pháp.
Theo các nhà chuyên môn, tên lửa Pukguksong-2 đã tăng cường đáng kể năng lực vũ khí của Triều Tiên bởi đây là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, giúp di chuyển nhanh hơn và khó bị ra đa phát hiện hơn các loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng thông thường. Triều Tiên miêu tả đây là loại "tên lửa chiến lược tầm trung và tầm xa" - khái niệm mà họ cũng dùng với tên lửa tầm trung Hwasong-12.
Một số chuyên gia Hàn Quốc cho rằng loại tên lửa này đủ sức tấn công Guam, song sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hồi tháng 5/2017, giới chức quốc phòng Hàn Quốc ước tính tầm bắn của Pukguksong-2 là vào khoảng 2.000km, nghĩa là tên lửa này có thể tấn công các căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản nhưng khả năng tấn công Guam là không cao.
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân: Chưa thể xảy ra
Theo đánh giá của các nhà phân tích, mặc dù những tuyên bố kích động từ cả Mỹ và Triều Tiên đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai bên nhưng nguy cơ này chưa có khả năng xảy ra trong ngắn hạn.
Giới quan sát nhận định khó có khả năng Triều Tiên tiến hành một cuộc tấn công thực sự hoặc Mỹ không kích phủ đầu quốc gia này. Tuyên bố của Triều Tiên chủ yếu là một lời cảnh báo đối với Mỹ rằng tên lửa của họ có thể nhắm thẳng tới các mục tiêu trong khu vực, chứ không phải là dấu hiệu báo trước một cuộc tấn công thực sự.
Bên cạnh đó, nếu Mỹ muốn không kích Triều Tiên, họ cần phải có được sự hậu thuẫn của Hàn Quốc, bởi Triều Tiên nhiều khả năng sẽ trả đũa nước láng giềng phía Nam và lực lượng quân đội gồm 600.000 binh sỹ này, nhưng hiện rõ ràng là chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Hàn Quốc sẽ ủng họ lựa chọn quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra, đây sẽ thực sự là một thảm họa không của riêng ai. Với Triều Tiên, đây chắc chắn sẽ là lựa chọn tồi tệ nhất. Xét về tương quan lực lượng, Triều Tiên - một quốc gia nghèo nhỏ bé với khoảng chục đầu đạn hạt nhân - khó mà “vượt mặt” Mỹ - cường quốc hạt nhân với kho vũ khí hàng nghìn đầu đạn sẵn sàng bắn trúng mọi mục tiêu ở bất cứ đâu trên thế giới. Đối với Hàn Quốc, đó sẽ là sự tàn phá thủ đô Seoul, thành phố nằm trong tầm bắn của các loại pháo thông thường của Triều Tiên.
Đối với Mỹ là nguy cơ xảy ra một vụ tấn công hạt nhân nhằm vào một trong những nơi đồn trú của Mỹ tại Đông Á, hoặc thâm chí là một thành phố trên lãnh thổ Mỹ. Ngoài ra, không thể không kể đến những nguy hiểm của một cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Các tác động về kinh tế cũng sẽ ở mức không tưởng nếu xảy ra một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới.
Bởi vậy, bất chấp những phát ngôn mang tính hiếu chiến từ phía Mỹ và Triều Tiên, giới phân tích phán đoán không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên hay nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện thực hóa đe dọa tấn công lãnh thổ Guam của Mỹ.
Một tàu sân bay của Mỹ |
Làm gì để “tháo ngòi nổ”?
Về mặt kỹ thuật, Mỹ vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên kể từ sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình. Mặc dù thế giới đang hết sức lo ngại về mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên song vẫn có lý do để tin rằng vấn đề Triều Tiên có thể được giải quyết.
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang tìm cách khôi phục chính sách "Ánh Dương", theo đó giao lưu cởi mở với Triều Tiên, đồng thời sử dụng các "lực đẩy" về thương mại và can dự để xoa dịu tình hình hiện nay.
Để kiềm chế Triều Tiên, song song với nỗ lực của Hàn Quốc, Mỹ và các đồng minh cần áp dụng chính sách gây sức ép, nhưng không nên để dẫn tới hiểu lầm thành một lời tuyên chiến. Vấn đề lúc này cần một tìm ra “cánh cửa hẹp” để thoát khỏi tình hình căng thẳng cực độ hiện nay và giữ Bán đảo Triều Tiên ổn định trước khi trượt chân vào miệng hố chiến tranh.
Giới phân tích chính trị nhìn nhận lối thoát hợp lý nhất, cũng là thành tố rất quan trọng được nêu trong nghị quyết mới nhất của LHQ, là nối lại đàm phán 6 bên nhằm tìm ra các biện pháp ngoại giao và chính trị để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng con đường hòa bình và tránh leo thang căng thẳng.
Trong bối cảnh hiện nay, khó có thể đề nghị Triều Tiên chấm dứt ngay lập tức chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, mà chỉ có thể thương lượng để Bình Nhưỡng phải ngừng các cuộc thử nghiệm vũ khí mới. Đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ nhận được một gói nhượng bộ chính trị và viện trợ kinh tế từ Mỹ và các bên liên quan.
Ông Richard Nephew - cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, người từng tham gia dự thảo thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015, khẳng định các lệnh trừng phạt chỉ có thể phát huy tác dụng nếu được tiến hành đồng thời với những nỗ lực đàm phán thực sự. Theo ông, "đã đến lúc phải đạt được một thỏa thuận nhằm làm giảm mối đe dọa hiện hữu từ Triều Tiên và giữ bán đảo Triều Tiên ổn định trước khi tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát"...