Đây là lần đầu tiên CHDCND Triều Tiên nhắc đến đảo Guam như một mục tiêu cân nhắc tấn công, thay vì những địa điểm chung chung trước.
Căng thẳng leo thang
Sáng 10-8-2017, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin quân đội nước này đang lên kế hoạch bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm vào Guam vào giữa tháng 8 này. Theo KCNA, kế hoạch này sẽ được đệ trình nhà lãnh đạo Kim Jong Un để đưa ra quyết định cuối cùng.
Theo thông báo của KCNA, lực lượng chiến lược nước này đang "nghiêm túc đánh giá" kế hoạch cho một "cuộc tấn công bao trùm" nhằm vào Guam - nơi đồn trú nhiều máy bay ném bom chiến lược của Mỹ. Theo đó, 4 tên lửa Hwasong-12 sẽ được bắn "nhằm ngăn chặn lực lượng kẻ thù tại các căn cứ quân sự ở Guam và phát đi cảnh báo nghiêm trọng tới Mỹ".
Trong thông báo bằng tiếng Anh, KCNA cho biết các tên lửa này sẽ bay qua không phận các tỉnh Shimane, Hiroshima và Koichi của Nhật Bản, với hành trình 3.356,7 km và đáp xuống cách Guam khoảng 30 đến 40 km.
Kế hoạch chi tiết này được phía CHDCND Triều Tiên đưa ra chỉ một ngày sau khi thông báo kế hoạch tấn công tên lửa nhằm vào Guam, trong một động thái phản ứng trước cảnh báo của Tổng thống Mỹ Trump rằng Bình Nhưỡng sẽ bị đáp trả "bằng lửa và thịnh nộ" nếu tiếp tục duy trì tham vọng tấn công Mỹ bằng tên lửa đạn đạo.
Những phản ứng
Trước những diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định tuyên bố của Tổng thống Trump về việc sẽ đáp trả CHDCND Triều Tiên bằng "lửa và thịnh nộ" nếu nước này tiếp tục đe dọa Mỹ cho thấy Washington đã phát đi một thông điệp thống nhất về CHDCND Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng thông qua tuyên bố trên, Tổng thống Trump muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến CHDCND Triều Tiên là nước này nên tránh những tính toán sai lầm. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã không hiểu đúng ngôn ngữ ngoại giao này. Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cũng cho rằng CHDCND Triều Tiên đã gia tăng đe dọa sau sự phản đối của quốc tế về chương trình hạt nhân của nước này, song đây không phải là "mối đe dọa tức thời".
Theo ông Tillerson, phát biểu của Tổng thống Trump phù hợp với "chiến dịch gây sức ép" buộc CHDCND Triều Tiên quay lưng với việc phát triển hạt nhân và thử tên lửa của nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo CHDCND Triều Tiên sẽ bị áp đảo hoàn toàn trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Mỹ, đồng thời cho rằng Bình Nhưỡng cần lựa chọn" giữa việc tự cô lập với việc ngừng theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân".
Khoảng 6.000 lính Mỹ tại các căn cứ không quân, hải quân và hàng loạt căn cứ quân sự khác tại đảo Guam đang trở thành mục tiêu của tên lửa đạn đạo Triều Tiên |
Trong khi đó, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc cảnh báo rằng CHDCND Triều Tiên sẽ phải trả giá đắt nếu tấn công Hàn Quốc hay Mỹ. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Ho Jae-cheon của JCS nhấn mạnh nếu CHDCND Triều Tiên vẫn có hành động khiêu khích thì Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với “hành động đáp trả mạnh mẽ và cương quyết của các lực lượng đồng minh”.
Người phát ngôn JCS khẳng định các đồng minh đều lên kế hoạch đối phó cứng rắn ngay lập tức đối với hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên, song hiện chưa phát hiện hành động đặc biệt khác thường nào từ phía Bình Nhưỡng. Giới phân tích cho rằng đây là cảnh báo hiếm thấy của quân đội Hàn Quốc đối với các phát biểu mang tính đe dọa của CHDCND Triều Tiên.
Từ Tokyo, Chính phủ Nhật Bản cũng nhấn mạnh sẽ "không bao giờ dung thứ" cho các hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên. Phát biểu với báo giới, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định "các hành động của CHDCND Triều Tiên, trong đó có cả thời gian này, rõ ràng là khiêu khích đối với khu vực trong đó có Nhật Bản cũng như đối với an ninh của cộng đồng quốc tế".
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản nhấn mạnh các lực lượng phòng vệ nước này sẽ áp dụng "mọi biện pháp cần thiết" để đối phó. Hiện Nhật Bản và Mỹ đang tham vấn chặt chẽ và có thể tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng vào ngày 17-8 tới. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cũng tuyên bố Nhật Bản được phép chặn tên lửa do CHDCND Triều Tiên phóng tới Guam nếu tên lửa này bị đánh giá là một mối đe dọa ảnh hưởng tới Nhật Bản.
Người phát ngôn Chính phủ Pháp Christophe Castaner đã kêu gọi các bên hành động có trách nhiệm và giảm căng thẳng trong vấn đề liên quan đến CHDCND Triều Tiên. Quan chức này nêu rõ Pháp đang quan ngại trước tình hình hiện nay.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel kêu gọi Mỹ và CHDCND Triều Tiên kiềm chế đe dọa lẫn nhau, khẳng định vũ lực không phải là giải pháp để đạt được phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời cho rằng các biện pháp trừng phạt mới đây của LHQ đối với CHDCND Triều Tiên cần được thực thi triệt để hơn. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Đức cũng hoan nghênh đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ Tillerson về việc tổ chức hội đàm với Bình Nhưỡng ngay khi CHDCND Triều Tiên ngừng thử tên lửa.
Trung Quốc cũng kêu gọi tất cả các bên tránh sử dụng những từ ngữ và hành động có thể làm leo thang căng thẳng và nỗ lực hơn nữa nhằm giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho biết Moskva hy vọng Washington sẽ tránh bất kỳ động thái nào có thể kích động CHDCND Triều Tiên có những hành động nguy hiểm, đồng thời kêu gọi đối thoại chính trị để làm dịu căng thẳng.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như "việc gia tăng các phát biểu mang tính đối đầu" giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên.
Guam là mục tiêu, vì sao?
Các nhà phân tích cho rằng, việc CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên nhắc đến đảo Guam như một mục tiêu cân nhắc tấn công bởi đảo Guam có vị trí chiến lược đối với quân đội Mỹ khi là nơi đồn trú của các căn cứ quân sự lớn, trong đó có căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân Guam.
Tại đây, Mỹ cũng triển khai một Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, Guam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi việc thiết lập căn cứ quân sự của Mỹ tại các quốc gia đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc vấp phải những trở ngại nhất định.
Một vụ thử tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên hồi tháng 5 vừa qua |
Hiện Mỹ duy trì khoảng 6.000 binh sĩ ở các căn cứ trên đảo Guam và con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi khi Mỹ tìm cách cân đối lực lượng ở Thái Bình Dương trước các mối đe dọa ngày càng tăng ở khu vực. Đảo Guam cũng đang nằm trong kế hoạch mở rộng của Lầu Năm góc cho dù động thái này sẽ không được 163.000 người dân sinh sống trên đảo ủng hộ.
Chính vì vậy, theo tờ The Atlantic (Mỹ), việc CHDCND Triều Tiên đe dọa tấn công đảo Guam không chỉ động chạm tới lợi ích của Washington trong khu vực mà còn động tới nỗi bất an trong lòng những người dân Guam vốn không muốn có sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại đây.
Ngay trong ngày 10-8, kênh truyền hình NBC dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nước này đã chuẩn bị cho kế hoạch tấn công phủ đầu CHDCND Triều Tiên trong trường hợp Tổng thống Donald Trump ra lệnh. Nguồn tin trên tiết lộ điểm mấu chốt trong kế hoạch là cuộc tấn công bằng các máy bay chiến lược B-1B Lancer từ căn cứ Andersen trên đảo Guam. Mục tiêu của cuộc không kích có thể sẽ là khoảng 20 bãi phóng tên lửa, thử nghiệm và các mục tiêu kỹ thuật của CHDCND Triều Tiên.
Ngay lập tức, CHDCND Triều Tiên đã cảnh báo “đáp trả không thương tiếc” nếu Mỹ có hành động quân sự nhằm vào nước này và một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ có thể khiến CHDCND Triều Tiên phát động đòn trả đũa nhằm vào hai quốc gia đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện CHDCND Triều Tiên được cho là sở hữu hàng chục thiết bị nổ chứa hạt nhân, các kho vũ khí hóa học lớn cùng hàng trăm tên lửa đạn đạo có khả năng bắn tới Hàn Quốc, Nhật Bản.
Trước tình trạng leo thang căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, các nhà phân tích cho rằng đối thoại và đàm phán vẫn là giải pháp tối ưu để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn.