Những ngày qua, theo dõi phiên tòa phúc thẩm xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các đơn vị, cá nhân, người ta đã phần nào hiểu ra tại sao ORS lại mất tiền, tại sao Chủ tài khoản của ORS lại tự mình ký khống lệnh chi đưa cho Như để Như sử dụng hoàn thiện chứng từ chuyển tiền chiếm đoạt của ORS.
Các thông tin trong hồ sơ vụ án cho thấy, ORS đã có quan hệ với Như từ năm 2010 và đã bị Như lừa ngay từ giao dịch ủy thác bằng hợp đồng với VietinBank Nhà Bè do Như làm giả; hợp đồng ký với VietinBank Nhà Bè nhưng toàn bộ giao dịch chỉ thực hiện duy nhất với Như trong khi Như lại là cán bộ VietinBank TPHCM; tiền không vào VietinBank Nhà Bè mà chuyển thẳng vào Công ty CP Đầu tư Hoàng Khải do Như và Võ Anh Tuấn lập ra.
Tiếp đó gốc, lãi do các cá nhân giúp việc của Như nộp tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản của ORS mà không phải do VietinBank Nhà Bè trả; không hề có giấy tờ gì của VietinBank Nhà Bè về xác nhận số dư, thông báo, tính toán xác nhận gốc, lãi đã trả cho ORS để làm cơ sở cho ORS hạch toán kế toán; khi nào ORS có tiền dư thì gửi, khi nào ORS cần tiền thì rút về, không hề giống với việc gửi tiền thông thường ở Ngân hàng...
Huỳnh Thị Huyền Như khai về việc huy động vốn của ORS: “Bằng hợp đồng ủy thác giả vào Nhà Bè, TPHCM (do tôi soạn thảo và ký giả chữ ký) số tiền gốc không cố định, thường duy trì từ 5 đến 20 tỷ đồng, ngoài ra nếu có tiền qua đêm phía ORS chuyển cho tôi sau đó tôi lại chuyển trả.
Tổng số tiền 1.824.850.167.999 đồng đây là tiền bao gồm gốc, lãi của hợp đồng ủy thác và tiền qua đêm nêu trên. Toàn bộ giao dịch vay mượn tiền của ORS tôi đều thỏa thuận trực tiếp với chị Vũ Hồng Hạnh và Nguyễn Thị Quy… Tôi phải trả phí ngoài hợp đồng cho chị Hạnh là 0.03%/ngày (0.03% x số tiền x số ngày) trên các hợp đồng ủy thác”.
Rõ ràng, có quá nhiều yếu tố bất hợp lý cho thấy thực chất là Như mượn danh nghĩa VietinBank Nhà Bè để huy động vốn của ORS sử dụng cho mục đích cá nhân với doanh số lên tới 1.824 tỷ đồng. Thế nhưng, hợp đồng ủy thác giả mạo giữa VietinBank Nhà Bè và ORS vẫn được thực hiện cho đến tận ngày 23/9/2011, chỉ vài ngày trước thời điểm Như bị khởi tố, tạm giam và đến nay còn 450 triệu đồng tiền gốc ORS chưa thu hồi được.
|
Chính Hạnh là người đã giúp Như mua cổ phiếu của Công ty Chứng khoán Phương Đông để Như ứng cử và đã trở thành thành viên HĐQT ORS, ảnh MH |
Vì lẽ gì mà Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng ORS, những người kỳ cựu trong ngành tài chính, hiểu quá rõ các nguyên tắc quản lý tài chính lại không nhận thấy những dấu hiệu bất minh này hay biết mà vẫn chấp nhận?
Qua vụ án này, câu trả lời cũng rất rõ, giống như những bị hại của Như, Tổng Giám đốc ORS và kế toán trưởng ORS đều được Như chi trả các khoản tiền lót tay rất lớn, cá nhân bà Hạnh - TGĐ ORS được chi tỷ lệ 0.03%/ngày, bà Nguyễn Thị Quy - Kế toán trưởng ORS được chi 0.005%/ngày. Cũng trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm rõ, bà Hạnh còn dùng tiền cá nhân cho Như vay và được Như trả lãi rất cao so với lãi suất gửi Ngân hàng thông thường.
Huyền Như khai: “Vũ Hồng Hạnh cho vay 5.049.620.000 và 40.000 USD, tiền của mẹ chị Hạnh, chị Hạnh và bạn chị Hạnh; số tiền tôi chuyển trả là 20.635.704.889 đồng và 50.000 USD gồm gốc, lãi của các món vay trên và phí chênh ngoài hợp đồng với ORS nhưng tôi không tách riêng được. Nguyễn Thị Quy, tôi chuyển 1.531.363.000 đồng là tiền chênh ngoài các hợp đồng với công ty ORS và Công ty chế biến gỗ Đức Thành do chị Quy giới thiệu”.
Bản thân bà Hạnh cũng đã thừa nhận tại cơ quan điều tra ngày 31/10/2011: “Khoảng từ giữa năm 2010 cho tới đầu năm 2011 tôi có gởi tại VietinBank Nhà Bè dưới hình thức hợp đồng ủy thác một khoản tiền nhàn rỗi của cá nhân tôi. Trong thời gian này có một vài lần chị Huỳnh THị Huyền Như (người giới thiệu gởi tiền) nhờ cô Quyên tới nhận tiền gởi hoặc trả tiền lãi (lãi suất cao hơn lãi suất trần tiết kiệm khoảng 2% tới 4%/năm)"
Hơn thế nữa, chính Hạnh là người đã giúp Như mua cổ phiếu của Công ty Chứng khoán Phương Đông để Như ứng cử và đã trở thành thành viên HĐQT ORS. Về việc này Như khai trước cơ quan điều tra ngày 19/12/2011:“Do muốn sở hữu ORS nên tôi có mua cổ phiếu ORS đứng tên tôi và đứng tên người nhà, người thân… Tôi có nhờ chị Vũ Hồng Hạnh mua giúp cổ phiếu ORS và tôi đã chuyển 2 tỷ đồng cho chị Hạnh vào TK của Tô Thị Thanh Yến để thanh toán và chị Hạnh theo dõi giúp tôi”.
Xem xét dòng tiền phát sinh trên tài khoản của ORS tại VietinBank TPHCM đúng là có 4 giao dịch nộp tiền vào đứng tên người nộp là Tô Thị Thanh Yến với tổng số tiền là 1.191 triệu đồng. Rõ ràng là Vũ Hồng Hạnh đã sử dụng cả tài khoản của ORS để thực hiện những giao dịch riêng giữa cá nhân Hạnh và Như.
Vì vậy, không khó hiểu gì khi Vũ Hồng Hạnh là chủ tài khoản của ORS, chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của ORS, đã biết rõ Như trích chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán của ORS sang tiền gửi có kỳ hạn khi chưa cung cấp hợp đồng, chưa có văn bản phong tỏa nhưng vẫn không có ý kiến gì. Chấp thuận ký khống 7 lệnh chi, tạo điều kiện cho Như hoàn thiện chứng từ và hợp pháp hóa giao dịch chuyển tiền đi từ tài khoản thanh toán của ORS.
Trong lời khai về việc tại sao Vũ Hồng Hạnh - Tổng Giám đốc ORS ký khống lệnh chi đưa cho Như, Như cho rằng Hạnh “dễ dàng đồng ý ký khống” mà “không thắc mắc gì” vì “một phần chị Hạnh cũng tin tưởng tôi, một phần vì số tiền này nằm trong số tiền huy động được từ Ngân hàng Tiên Phong chuyển vào tài khoản của ORS thì ORS cũng được hưởng lợi từ 0.2% đến 0.3%”.
Các cụ xưa có câu “tham thì thâm”, vì lòng tham mà người ta thường dễ dàng bỏ qua mọi nguyên tắc. Cho nên vì lòng tham mà mất tiền, phải trả giá âu cũng là hệ quả tất yếu, tham thì phải tự lãnh chịu hậu quả, nào có thể trách được ai?