Giải mã 'vùng tối' Tam Quốc diễn nghĩa: Tàn cuộc Xích Bích

(PLO) - Đại chiến Xích Bích đã ghi dấu ấn vào lịch sử như là chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử thời Tam quốc (thực tế phải là cuối Đông Hán). Trong đó Chu Du nổi lên như là người lãnh đạo tài ba dẫn đến chiến thắng, “hùng tráng rạng ngời, quạt lông khăn lượt, trong khoảng nói cười mà giặc mạnh một thời hóa thành tro bụi”. Tuy nhiên, xung quanh chiến thắng của Đông Ngô hãy còn khá nhiều lời dị nghị. 
Hướng gió và địa hình, bố trí quân lực trong trận Xích Bích
Hướng gió và địa hình, bố trí quân lực trong trận Xích Bích

Có người nói Chu Du chiến thắng là do may mắn, lại có kẻ bảo Chu Du chiến thắng là nhờ cướp công. Sự thực như thế nào?

Gió Đông có giúp Chu Lang tiện?

Nói đến Xích Bích thì không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng là ngọn gió Đông. Ngay từ thời nhà Đường, gió Đông đã được xem là yếu tố quyết định dẫn đến chiến thắng. Đỗ Mục cho rằng: “Đông phong bất dữ Chu Lang tiện/Đồng Tước thâm xuân tỏa nhị Kiều” (gió Đông chẳng giúp Chu Lang dễ/Đồng Tước muôn xuân khóa nhị Kiều).

Điều này đã được những người kể chuyện dân gian thời Tống-Nguyên, rồi sau đó là tiểu thuyết của La Quán Trung nhấn mạnh, trở thành yếu tố mấu chốt cuối cùng quyết định sự thành công của trận hỏa công Xích Bích (Ô Lâm). Chi tiết này lại gắn liền với chi tiết Gia Cát Lượng tế gió để “mượn gió Đông”.

Câu chuyện mượn gió Đông nổi tiếng đến độ sau quá trình truyền bá vòng vèo, cuối cùng nó đã tìm được đường đi vào chính sử. Học giả Hàng Thế Tuấn (1696-1773) đã trích dẫn lại chuyện này vào sách Tam quốc chí bổ chú: “Tôn Quyền chiếm cứ Giang Đông. Tào Tháo đi đánh, tiến binh đến Xích Bích, thắng bại chưa phân. Đại tướng của Quyền là Chu Du hỏi kế của Gia Cát Lượng. Lượng nói: “Dùng hỏa công là có thể phá chúng”.

Du nói: “Hận không có gió đông nam thôi”. Lượng nói: “Hãy dựng một đàn cầu sao. Tôi sẽ vì Đô đốc mà mượn gió mấy hôm, thì có thể phá Tào rồi”. Du cả mừng, sai người tới dưới núi Nam Bình đắp đài ba tầng, cắm cờ nhị thập bát tú, dựa theo sáu mươi bốn quẻ, dùng một trăm mười người đứng hầu hai bên tả hữu. Lượng bước vua Vũ, đạp sao Cương, ba lần lên, ba lần xuống rồi bỏ đi. Đến đêm ấy, gió đông nam nổi lên.

Gia Cát Lượng tế gió – tranh khắc gỗ Nhật Bản
Gia Cát Lượng tế gió – tranh khắc gỗ Nhật Bản

Bộ tướng của Du là Hoàng Cái trá hàng, thuận chiều gió phóng hỏa thiêu sạch thuyền quân bắc. Tào Tháo vất vả chạy về. Giang Nam yên ổn đều nhờ công của Lượng vậy”. Tuy nhiên, học giả Lư Bật thời Thanh đã chỉ ra rằng lời của Hàng Thế Tuấn dẫn từ sách Thuyết bảo chỉ là “lời của tiểu thuyết”. Lư Bật còn nói thêm rằng quan niệm về gió Đông chỉ là quan niệm của người thời Đường và quan điểm ấy là không chính xác.

Thực vậy, Giang Biểu truyện là sử liệu đầu tiên ghi về ngọn gió này đã nói rõ đó là “gió đông nam”. Tam quốc chí bình thoại cũng quan niệm rằng: “Đến ngày giao tranh, trại Tào ở phía tây bắc, trại ta ở phía đông nam, nếu mà gió không thuận, thì làm sao chiến thắng?”. Bùi Tùng Chi khi bình luận về trận chiến Xích Bích đã nói rằng “khải phong tự nam” (gió lành từ phía nam), tức là nhấn mạnh yếu tố hướng nam chứ không phải hướng đông.

Thực vậy, nếu theo dõi biểu đồ thời tiết Trung Quốc chúng ta sẽ thấy vào mùa đông thì ngọn gió hướng đông là việc hết sức bình thường. Điều bất bình thường chính là hướng nam hay hướng bắc. Theo thống kê của Cục Khí Tượng Trung Quốc về tình hình hướng gió ở khu vực Xích Bích trong suốt 30 năm thì vào mùa đông, ngọn gió chủ yếu là gió đông bắc.

Những hướng gió khác xuất hiện với tần suất khá thấp, bao gồm: gió đông nam 3%, gió nam 4% và gió đông 7%. Ngọn gió đông nam xuất hiện vào thời điểm trận Xích Bích đích thực là rất hãn hữu. Vấn đề nằm ở chỗ nếu không có ngọn gió đó thì việc hỏa công có thể thực hiện được hay không?

Trong Tôn Tử binh pháp, thiên Hỏa công có nhắc đến vấn đề luồng gió trong chiến thuật hỏa công, hỏa công chỉ thuận lợi khi đốt ở trên đầu gió và tiến đánh theo hướng gió. Nếu nhìn nhận trên khía cạnh như vậy, xét trên bản đồ địa hình và hướng gió trong trận chiến Xích Bích thì hoàn toàn không có chuyện “đông phong bất dữ Chu Lang tiện”.

Ngược lại, cho dù gió thổi hướng nào thì Chu Du cũng có thể tiến hành đánh hỏa công. Theo mô tả của Tam quốc chí, Tào Tháo thua trận tao ngộ chiến Xích Bích ở bờ nam thì lui về Ô Lâm ở bờ bắc. Xích Bích – Ô Lâm nằm trên trục đông bắc-tây nam. Như vậy, ngọn gió phổ biến là gió đông bắc xuất hiện chính là thuận theo hướng tiến đánh của Chu Du từ Xích Bích đến Ô Lâm. Ngược lại, ngọn gió đặc biệt đông nam xuất hiện sẽ thổi từ Giang Nam (phía bờ Chu Du) sang Giang Bắc (phía bờ Tào Tháo).

Hỏa công vẫn diễn ra một cách bình thường, chỉ khác ở chỗ Chu Du sẽ xuất phát men theo bờ nam tiến tới Ô Lâm rồi tiến đánh theo hướng đông nam. Nếu là ngọn gió đông bắc, Chu Du sẽ dễ dàng đốt chiến thuyền, nhưng khó làm ảnh hưởng đến doanh trại trên cạn. Nếu là ngọn gió đông nam, việc chiếm lĩnh hướng gió để đốt thuyền sẽ công phu hơn một ít, nhưng đồng thời ngọn lửa lại dễ dàng lan sang doanh trại trên cạn. Đường nào cũng thắng.

Chiến công của Chu Du hay của ai?

Trận chiến Xích Bích trên thực tế không chỉ có vai trò của Chu Du, bên phía Tôn Quyền thì “Du, Phổ làm Tả, Hữu Đô đốc, đều nắm vạn quân”. Nghĩa là bên phía quân Giang Đông có hai tướng chỉ huy là Chu Du và Trình Phổ (Tam quốc chí đã đề cập đến sự bất hòa của hai người trong thời kỳ trận chiến Xích Bích). Bên phía Lưu Bị cũng có những đóng góp quan trọng. Sau này, trong hội Đơn Đao, Quan Vũ đã nói với Lỗ Túc: “Chiến dịch Ô Lâm, Tả tướng quân [Lưu Bị] thân ở trong hàng trận, ngủ chẳng cởi giáp, gắng sức phá địch”.

Tào Tháo bị đốt ở Xích Bích. Bản in năm 1591
Tào Tháo bị đốt ở Xích Bích. Bản in năm 1591

Sơn Dương Công tái ký cũng nói: “Chiến thuyền của [Tào] Công bị Lưu Bị đốt cháy”. Chiến dịch Xích Bích – Ô Lâm là công lao gắng sức của liên quân Tôn Lưu, nhưng Chu Du nổi lên với vai trò là người tiếp nhận kế sách hỏa công của Hoàng Cái. Vấn đề nằm ở chỗ có người tuyên bố rằng Chu Du chẳng có công gì mà là ăn may. Người đó chính là Tào Tháo.

Theo Giang Biểu truyện, sau này Tào Tháo đã viết thư cho Tôn Quyền, nói rằng: “Chiến dịch Xích Bích, gặp ngay lúc dịch bệnh, cô đốt thuyền tự lui, mới khiến Chu Du có được hư danh”. Tam quốc chí, Quách Gia truyện cũng có nói: “Thái Tổ đánh Kinh Châu quay về, đến Ba Khâu thì gặp dịch bệnh, đốt thuyền”. Tào Tháo cho rằng mình không phải thua trận mà là tự bỏ cuộc quay về. Tuy nhiên, những tư liệu khác lại cho thấy rằng Tào Tháo rút khỏi Ba Khâu trong tình thế rất thê thảm, chứ chẳng được ung dung tự ra quyết định.

Sơn Dương Công tái ký cho biết Tháo đã phải liều chết vượt qua con đường gian nan đầy sình lầy ở Hoa Dung. Sau khi vượt qua được, Tào Tháo bật cười. Mọi người hỏi. Tháo nói: “Lưu Bị là kẻ cùng loại với ta, chỉ hiềm tính kế hơi chậm, nếu như sai người sớm phóng hỏa, thì bọn ta hết đường rồi”. “Bị cũng tìm đến phóng hỏa, nhưng không kịp”. Tuy vậy, có thể nói rằng số phận thủy quân Tào Tháo trong trận chiến Xích Bích đã trải qua ba hồi: 1- tao ngộ chiến Xích Bích; 2- hỏa thiêu Ô Lâm; và 3- Tào Tháo hủy thuyền tại Ba Khâu, lui về bằng đường bộ.

Chiến dịch Xích Bích, Tào Tháo thất bại. Nguyên nhân được cho là do thiếu am hiểu về thủy chiến, chủ quan khinh địch, quân đội bị mài mòn do dịch bệnh và có thể còn là do quân số quá đông khiến cho có sự khó khăn về mặt chỉ huy, điều động. Nhưng nguyên nhân được Tô Đông Pha nhấn mạnh chính là do Ngụy Vũ “giỏi liệu việc mà không giỏi liệu người”, đã đánh giá sai về Tôn Quyền, Lưu Bị. Nhưng trên thực tế, Tào Tháo từng đánh giá Lưu Bị là người anh hùng hiếm hoi có thể sánh ngang với mình. Đánh giá đó lại khác hẳn với ấn tượng về Lưu Bị mà chúng ta vẫn biết.