Giải mã những 'vùng tối' Tam Quốc diễn nghĩa” (Kỳ 49): Một Xích Bích khác

(PLO) - Nếu như hỏi về diễn biến trận chiến Xích Bích, rất nhiều người sẽ dễ dàng mô tả về trận chiến ấy. Đại khái là Tào Tháo đem tám mươi vạn quân thủy bộ tới đóng trại ở bờ bắc sông Trường Giang. Chu Du đem chừng ba vạn người tới mé nam sông đối trận.
Những diễn biến chính của Xích Bích theo Tam quốc chí và Anh hùng ký
Những diễn biến chính của Xích Bích theo Tam quốc chí và Anh hùng ký

Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, phía Chu Du đã tiến hành đánh hỏa công tiêu hủy đội thuyền của Tào Tháo. Tào Tháo trúng kế, lại thêm gió Đông trợ lực nên quân Tào thất bại thảm hại. 

Đến đây chúng ta phải hỏi rằng trận chiến Xích Bích có thực diễn ra như vậy không?

Đánh lớn hay nhỏ?

Trận chiến Xích Bích theo truyền khẩu dân gian thì có quy mô rất lớn. Tam quốc diễn nghĩa nói Tào Tháo có 80 vạn quân, nói thêm lên thành 100 vạn. Đó là hãy còn bớt giá, vì trong Tam quốc chí bình thoại thì Tào Tháo có đến 100 vạn quân, và nói tăng lên thành 130 vạn! Ngay trong bức thư mà Tào Tháo gửi cho Tôn Quyền chép trong chính sử đã khoe mình có 80 vạn quân thủy bộ. Chu Du đã bàn bạc phân tích và giảm con số đó của Tào Tháo xuống.

Chu Du cho rằng Tháo đem theo bất quá 15-16 vạn, quân lấy được thêm của Lưu Biểu chỉ khoảng 7-8 vạn. Thế có nghĩa quân Tào Tháo chỉ chừng 22-23 vạn. Với số quân đó cộng thêm những khó khăn tiềm ẩn bên phía địch thì chỉ cần 5 vạn tinh binh là có thể khắc chế. Mặc dù là như vậy, nhưng Tào Tháo khoe quân, Chu Du tính toán, rốt cuộc cũng chỉ là những thứ ở bên ngoài trận chiến. Khi từ Giang Lăng kéo tới Ba Khâu, Tào Tháo đã đem theo bao nhiêu quân, đó vẫn là câu hỏi lớn.

“Đương khi Tào công phá đất Kinh Châu, xuống thành Giang Lăng, thuận dòng mà sang mặt đông, thuyền bè muôn dặm, cờ tán rợp trời” – đấy cũng chỉ là lời phú của gã văn nhân nhầm lẫn địa lý-lịch sử Tô Đông Pha, không đủ để tin. Tam quốc chí của Trần Thọ hoàn toàn im lặng về quân số cũng như các tướng lĩnh phe Tào đã tham gia trận Xích Bích (ngược lại, bên Ngô thì có rất nhiều người được ghi nhận là đã dự trận này).

Tẩu khả - thuyền dự bị của Hoàng Cái trong trận Ô Lâm
Tẩu khả - thuyền dự bị của Hoàng Cái trong trận Ô Lâm

Chính vì những ghi chép mờ mịt như thế mà quy mô của trận chiến Xích Bích đã bị một số nhà nghiên cứu chất vấn.Nhà nghiên cứu Doãn Vận Công (1956 - ) đã đề xuất rằng trận chiến Xích Bích chỉ là một trận tao ngộ chiến quy mô nhỏ. Sở dĩ gọi là tao ngộ chiến là vì hai bên đụng đầu nhau trong lúc đang hành quân, và trận chiến cứ thế mà nổ ra.

Tuy nhiên, ý kiến này lại bị phản bác khá dữ dội. Lập luận chủ yếu được đưa ra chính là từ khi đến Giang Lăng cho tới khi bắt đầu kéo tới Xích Bích, Tào Tháo đã có thời gian nghỉ ngơi và bổ sung quân tại Giang Lăng, nên quân số của Tào Tháo không thể quá ít. Ngược lại, Tào Tháo có nhiều quân, do đó mới có hỏa thiêu chiến thuyền, mới có lửa bén doanh trại.

Điều đáng chú ý là Vương Xán – vị Quân sư Tế tửu mới về đầu hàng khi Tào Tháo chiếm lấy Kinh Châu đã mô tả một trận Xích Bích hoàn toàn khác. Trong Anh hùng ký, Vương Xán nói rằng: “Tào Tháo tiến quân tới trên sông Giang, muốn theo ngả Xích Bích mà vượt sông, không có thuyền, nên làm bè trúc, sai bộ khúc cưỡi lên, từ Hán Thủy đi xuống, ra Đại Giang, kéo thẳng tới Phố Khẩu.

Còn chưa qua sông, Chu Du lại nhân đêm tối bí mật sai trăm chiếc khinh kha (thuyền nhẹ) đến thiêu cháy. Tháo bèn nhân đêm bỏ chạy”. Nghĩa là Tào Tháo chẳng có chiến hạm gì sất. Trận hỏa công Xích Bích chỉ là trận chiến giữa mấy chiếc thuyền nhẹ đốt vài cái bè trúc của Tào Tháo, và đó là một trận chiến quy mô nhỏ.

Bi kịch ba hồi

Vương Xán là một nhân chứng lịch sử, nhưng lời ông ta nói ra khiến cho mọi người nghi hoặc, đặc biệt là ở chỗ nói Tào Tháo không hề có thuyền mà phải làm bè trúc. Cứ theo lời Trương Chiêu thì Tào Tháo chiếm Kinh Châu, “mông xung đấu hạm đến mấy ngàn chiếc”, sao lại bảo là Tào Tháo không có thuyền? Nhưng Lư Bật thời Thanh nói rằng ở phía dưới Gia Ngư còn có Bài Châu (cù lao bè), “có lẽ cũng vì đó mà thành danh”.

Tào Tháo dùng bè để vượt sông có thể là có thật. Anh hùng ký nay đã thất truyền. Những đoạn còn lại của nó được trích dẫn từng phần trong bộ từ điển Thái Bình ngự lãm thời Tống, rất có thể đã có sai sót.Tào Tháo muốn vượt sông ở chỗ Xích Bích thì không nhất thiết phải cho quân đi vòng rất xa từ Hán Thủy rồi lại ngoặt về Xích Bích. Cánh quân đổ bộ bằng bè ấy rất có thể là một hướng tiến công kết hợp đã bị Chu Du đánh bại ngay từ trong trứng nước.

Hoàng Cái đốt quân Tào – tranh thời Nguyên
Hoàng Cái đốt quân Tào – tranh thời Nguyên

Thuyền lớn Kinh Châu đậu ở trong sông Trường Giang. Tháo từ Giang Lăng đi nên mang theo thuyền, còn hướng Hán Thủy thì không.Xích Bích do đó là một trận chiến quy mô lớn. Và muốn giải quyết trận chiến ấy không chỉ có một hồi.

Chúng ta đã biết rằng Trần Thọ khi viết về trận đánh này lúc thì nói đánh ở Xích Bích, lúc lại nói đánh ở Ô Lâm.Điều đó khiến ta tưởng rằng hai địa điểm ấy phải rất gần nhau. Các chỉ định vị trí ngày nay thường cho rằng chúng đối diện nhau trên cùng khúc sông. Nhưng những chỉ định địa lý sớm nhất về chiến trường ấy đã cho thấy Ô Lâm và Xích Bích cách nhau rất xa, ít nhất là 160 dặm (80km).

Nhà nghiên cứu Hùng Hội Trinh cho rằng ở dĩ xa nhau như thế là vì quân Tào rất đông, không thể cùng lúc tụ lại một chỗ, mà phải dãn ra trên một tuyến rộng. Thế nhưng, Tam quốc chí, Chu Du truyện là tài liệu mô tả trận chiến này rõ nhất lại cho hiểu là đã có hai trận đánh riêng lẻ, cách nhau về mặt thời gian lẫn không gian. Sách này cho biết:

“Quyền bèn sai Du cùng bọn Trình Phổ hợp với Bị chung sức phá Tào Công, gặp nhau ở Xích Bích.Bấy giờ quân chúng của Tào Công đã có bệnh tật, mới bắt đầu giao chiến, quân đã bại lui, dẫn nhau trở về Giang Bắc. Bọn Du ở bờ nam. Bộ tướng của Du là Hoàng Cái nói: “Nay giặc đông ta ít, khó giằng co lâu. Nhưng xem ra quân Tháo vừa kết chiến thuyền, đầu đuôi nối nhau, có thể đốt để đuổi chúng”.

Bèn lấy mấy chục chiếc mông xung, đấu hạm, chất đầy củi cỏ, lấy dầu tẩm vào, đem vải trùm bên ngoài, trên cắm nha kỳ, trước tiên gửi thư cho Tào Công, nói là muốn hàng, lại dự bị sẵn tẩu khả, đều buộc phía sau thuyền lớn; rồi nối nhau tiến lên. Lại, sĩ bên quân Tào Công đều ngửa cổ nhìn ngó, trỏ tay bảo là Cái đến hàng. Cái phóng các thuyền lên, đồng thời phát hỏa.Bấy giờ gió nổi mạnh, thêu cả doanh trại ở trên bờ.Chốc lát, tàn lửa đầy trời, người ngựa bị thiêu đốt, chết chìm rất đông. Quân bèn thua chạy, về giữ Nam quận”.

Xem như thế thì trận chiến Xích Bích bao gồm hai màn chính yếu: màn thứ nhất là trận tao ngộ chiến giữa quân Tào Tháo và quân Chu Du ở Xích Bích. Tào Tháo thất bại, đã chạy về đóng ở Ô Lâm. Chu Du giữ Xích Bích ở bờ nam và sau đó đã bày kế thiêu cháy chiến thuyền của Tào Tháo.Kinh Châu kýcủa Thịnh Hoằng Chi thời Lưu Tống cũng cho biết: “ven sông huyện Bồ Kỳ 100 dặm, bờ nam gọi là Xích Bích. Chu Du, Hoàng Cái đáp thuyền từ nơi đây đi công phá quân của Ngụy Vũ ở Ô Lâm. Ô Lâm, Xích Bích đông tây cách nhau 160 dặm”.

Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên thời Bắc Ngụy cũng viết: “sông Giang lại chảy về phía đông, đi qua phía nam Ô Lâm hạ. Hoàng Cái nước Ngô đánh bại Ngụy Vũ Đế ở Ô Lâm, tức là chỗ này”. Những tài liệu sớm nhất đều mô tả Ô Lâm riêng, Xích Bích riêng, và ở cách rất xa nhau. Trong đó trận chiến Ô Lâm rõ ràng quan trọng hơn trận chiến Xích Bích.

Xích Bích chỉ là điểm xuất phát cho đội chiến thuyền đi hỏa công quân Tào tại Ô Lâm. Nói cách khác, khi ngọn lửa đốt thuyền của Hoàng Cái bốc lên, tại Xích Bích không hề có bất kỳ một chiến sự nào cả; và trận chiến hỏa công nổi tiếng này đáng ra phải gọi là đại chiến Ô Lâm.

Trong trận hỏa công này, Tào Tháo đã thất bại thảm hại.Tuy nhiên vẫn còn một hồi thứ ba của trận đại chiến ấy, và cũng là hồi khiến Tào Tháo có thể vớt vát lại chút sĩ diện (hão). Rốt cuộc đó là sự kiện gì?

Đọc thêm