Giải ngân đầu tư công: 10 tháng hoàn thành chưa tới 50% kế hoạch

(PLVN) - Ước thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) 10 tháng của năm 2019 mới đạt 49,83% so với kế hoạch Quốc hội (QH) giao và đạt 54,69% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ (TTCP) giao. Đây được xem là điểm tối trong “bức tranh sáng” của kinh tế…
Giải ngân đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra
Giải ngân đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra

Còn 27 nghìn tỷ đồng chưa giao được

Bộ Tài chính vừa báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ (TTCP) về tình hình thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ 10 tháng năm 2019.

Theo đó, ước thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN 10 tháng năm 2019 là gần 214 nghìn tỷ đồng, đạt 49,83% so với kế hoạch QH giao và đạt 54,69% so với kế hoạch TTCP giao (cùng kỳ năm 2018 tỷ lệ tương ứng là 56,24% và 57,93%). Trong đó, vốn trong nước là gần 202 nghìn tỷ đồng, đạt 54,58% kế hoạch QH giao và đạt 58,34% kế hoạch TTCP giao (cùng kỳ năm 2018 tỷ lệ tương ứng là 60,54% và 61,74%).

Trong đó vốn trái phiếu Chính phủ là hơn 10 nghìn tỷ đồng đạt 26,10% kế hoạch QH giao và đạt 29,22% kế hoạch TTCP giao; vốn chương trình mục tiêu quốc gia hơn 9,4 nghìn tỷ đồng, đạt 52,46% kế hoạch giao. Vốn ngoài nước hơn 12 nghìn tỷ đồng, đạt 20,61% kế hoạch QH giao và đạt 27,09% kế hoạch TTCP giao (cùng kỳ năm 2018 tỷ lệ tương ứng là 31,92% và 34,84%).

Có 4 bộ, ngành và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%, trong đó, có 3 bộ, ngành và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 90% (Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng NN&PTNT đạt 100%; Hội Nhà văn 90,85%; Hưng Yên 91,11%, Nam Định 90,36%). Bên cạnh đó, có 29 bộ, ngành và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, trong đó, có 15 bộ, ngành và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%.

Tại diễn đàn QH, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã ví tình trạng giải ngân chậm là một trong những điểm tối trong một “bức tranh sáng” của nền kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đóng góp của vốn đầu tư công (ĐTC) trong giá trị của GDP. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt với những giải pháp khác nhau, ngay từ tháng đầu của năm, như việc giao kế hoạch vốn sớm, trước 31/12 đã giao được 91,26%, còn lại hơn 33 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 8% không đủ điều kiện và thủ tục nên không thể giao. “Từ đầu năm đến nay, Bộ đã liên tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hoàn thành thủ tục và thủ tục đầy đủ đến đâu, giao đến đó. Đến nay mới giao thêm được hơn 5 nghìn tỷ đồng, vẫn còn 27 nghìn tỷ đồng chưa giao được” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho hay. 

Thiếu động lực trong thực hiện…

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, về cơ bản những vướng mắc liên quan đến ĐTC, đã được sửa đổi tại Luật ĐTC (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2020. Một số vấn đề còn vướng mắc giữa các luật với nhau, Chủ tịch QH và TTCP đã giao cho các cơ quan tiếp tục rà soát trong thời gian tới, phát hiện các điểm cần phải chỉnh sửa để thống nhất lại.

Đại diện Bộ KH&ĐT cũng cho rằng những vướng mắc về phân cấp hay trình tự, thủ tục dự án, điều chỉnh kế hoạch đã cơ bản được giải quyết, tuy nhiên tình trạng chậm giải ngân chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan “thiếu động lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao”. Đó là: Công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế, việc giao kế hoạch chậm, cả ở TW và các cấp bộ, ngành, địa phương (giao chi tiết) chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ dự án; Công tác tổ chức thực hiện dự án ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề ra. Trình độ năng lực chuyên môn của nhà thầu, tư vấn giám sát còn hạn chế…

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 94/2019/NQ-CP với một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Thông tin các bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm đã được công khai trên Cổng thông tin của Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính. Chính phủ cũng đề nghị các đại biểu QH tăng cường giám sát chuyên đề về giải ngân vốn ĐTC ngay tại địa phương mình, để vừa nâng cao hiệu quả giám sát tại cơ sở, vừa giúp chính quyền thấy được nguyên nhân, đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả. 

Đại diện Bộ KH&ĐT kỳ vọng, với Luật ĐTC (sửa đổi), Nghị quyết 94/2019/NQ-CP mới được ban hành và sự giám sát của QH và các đoàn đại biểu QH, vấn đề giải ngân vốn ĐTC năm 2020 sẽ có bước cải thiện đáng kể…

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu

Tại Nghị quyết 94/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn ĐTC năm 2019, bên cạnh những nội dung cụ thể tháo gỡ các rào cản khó khăn, vướng mắc, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở TW, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, coi việc thúc đẩy giải ngân vốn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2019.

Đọc thêm