Giải oan cho rượu và ốc trong vụ đột tử của nam thanh niên

(PLO) - Không phải rượu, không phải ốc, vậy nguyên nhân gì khiến nạn nhân Nguyễn Văn Hiếu (SN 1990, ngụ tại 78/5 đường Phạm Thị Liên, phường Kim Long, TP Huế) chết sau bữa uống rượu ốc,gây xôn xao thành Huế?
Người cha bên di ảnh của con trai
Người cha bên di ảnh của con trai
Đột tử trong bữa rượu ốc
Như PLVN đã đưa tin, sau bữa rượu ốc cùng bạn, chàng trai Nguyễn Văn Hiếu đã tử vong trong nỗi đau đớn của gia đình.  
Bạn nhậu của nạn nhân là Võ Tấn Định Lộc (26 tuổi, ngụ đường Tăng Bạt Hổ, TP Huế) nhớ lại, anh và Hiếu là bạn với nhau từ thời “chăn trâu, cắt cỏ”. Chiều 26/4/2014, Hiếu nói hôm nay cuối tuần nên mời bạn đi nhậu để tâm sự. Tới quán ốc , hai người yêu cầu uống rượu Thủy Dương. Chủ quán nói hết phải đi lấy, thế là hai thực khách ăn ốc trước, chờ rượu sau. Uống đến 18h30, chai rượu 0,75 lít hết gần một nửa. Lúc đó trong nhà của Hiếu, cả cha, mẹ, em đều điện thoại gọi về ăn cơm.
“Tôi thấy bạn hôm đó mệt mệt nên cất chai rượu còn lại xuống bàn, gàn “mi đừng uống nữa”, nhưng hắn vẫn cười. Thường lệ vào thứ Bảy thì Hiếu chở người yêu đi chơi nhưng hôm đó là ngoại lệ, Hiều vừa điện thoại cho người yêu rồi gục đầu xuống, giật giật liền 3 cái, tiểu cả ra quần”, nhân chứng thuật lại. 
Mẹ của Hiếu trầm ngâm: “Chiều đó tôi gọi điện, nó nói sẽ về ăn cơm nhưng có linh cảm của người mẹ tôi đứng ngồi không yên rồi điện tiếp. Khi tới bệnh viện, tôi chỉ muốn vào gặp con nhưng họ không cho vợ chồng tôi vào, chỉ tích tắc sau, chúng tôi quỵ ngã được bệnh viện thông báo Hiếu đã vừa qua đời”. 
Tử thi liên tiếp trào máu miệng, người nhà cho rằng “chết oan”
Hiếu là con trai đầu trong gia đình có 3 anh em trai, cha làm nghề thợ nề, mẹ buôn bán nhỏ ở chợ, còn 2 người em trai đều làm nghề lái xe. Hiếu cao 1,7 mét, nặng 60 kg, chưa bao giờ phải nằm viện vì bệnh tật. Hiếu thôi học từ năm lớp 9, theo nghề sửa xe từ 10 năm nay.
Theo lời kể của người cha, sau khi đưa xác của con trai về lúc 9h tối thì lực lượng chức năng đã khám sơ bộ bên ngoài và có yêu cầu mổ tử thi để tìm nguyên nhân cái chết. Người cha nhớ lại: “Ba người anh em ruột của tôi nhanh chóng họp khẩn cấp và đi đến quyết định là không mổ vì tội nghiệp cho con, cho cháu. Người đã mất rồi mà còn bị mổ xẻ thì đau đớn và tội nghiệp. Ngay khi đó tôi cũng đã ký vào biên bản cam kết sau này không khiếu nại điều gì hết”.
Người cha đã ân hận vì quyết định này.
Trong lúc làm đám cho anh Hiếu, người trong gia đình thấy có điểm lạ. Bắt đầu từ 2h sáng ngày hôm sau, trong lúc mẹ khóc con thì trong miệng của Hiếu cứ trào máu liên tục. Rồi hôm sau cứ có ai khóc thì thi thể lại tiếp tục xuất hiện tình trạng như vậy. Người nhà phải nén tiếng khóc khỏi bật ra, cho đến khi người chết được đưa vào quan tài
Sau đám tang, người trong gia đình của anh Hiếu liên tục nằm mơ. Từ đứa cháu vài tuổi cho đến bà nội 84 tuổi, thường mơ thấy Hiếu về với mọi người, có lúc thì về tìm lại đôi dép, rồi về xem mọi người đi chợ Kim Long gần nhà. Nhiều người lại mơ thấy Hiếu giơ hai tay lên cao rồi bắt chéo lại và lắc đầu. 
Chủ quán ốc khẳng định anh Hiếu chết không phải vì ốc.
 Chủ quán ốc khẳng định anh Hiếu chết không phải vì ốc.
Người cha ân hận: “Trước đây vì thương con chết quá bất ngờ nên tôi chưa bình tĩnh, nóng vội mới đồng ý cho qua mọi việc. Nhưng bây giờ mặc dù gia đình đã lo cho Hiếu mồ yên mả đẹp xong rồi, nhưng nếu được thì tôi yêu cầu cơ quan chức năng điều tra rõ trong rượu và thức ăn tại quán đó có độc tố gây nên cái chết của con tôi hay không, dù có quật mộ lên tôi cũng đồng ý. Chuyện này sẽ vừa tìm được nguyên nhân cái chết của con, mà nó còn cảnh báo cho cộng đồng, cho những người khác không còn phải thiệt mạng oan ức”.
“Giải oan” cho rượu và ốc
Xa lộ Pháp luật đã tìm đến quán ốc nơi nạn nhân đột tử để “dựng lại hiện trường” qua lời kể của các nhân chứng.
Chị Phan Thị Bèo (46 tuổi, chủ quán ốc Tý ở đường Thái Phiên, TP Huế) vẫn còn thất thần: “Quán tôi đã hoạt động 10 năm nay, chưa bao giờ khách bị ngộ độc. Hai thanh niên này là khách quen của quán, tôi nhớ như in vì hai thanh niên này rất hiền lành, lần đầu tiên khi tới quán tôi nhậu hai đứa này còn không dám gọi nước đá để uống. 
Chỉ đến khi tôi nói uống rượu mà không “chữa cháy” à, hai cậu ấy mới ấp úng hỏi: “Có tốn tiền không?”. Tôi nói không, hai đứa mới dám uống. Đồng thời lúc tới đây nhậu, hai cậu này cũng đều luôn trả tiền trước dù giá bao năm nay có đổi đâu. Cứ lui đi lui tới, bữa nào họ cũng gọi hai dĩa ốc, một dĩa loại ốc to, một dĩa loại ốc nhỏ, một dĩa hến xào, một cái bánh tráng và một chai rượu Thủy Dương 0,75 lít; tổng tiền là 63 nghìn đồng”. 
Chị kể tiếp: “Hôm xảy ra chuyện cũng không phải là ngoại lệ. Cậu thanh niên này chết quá trẻ thấy mà thương xót nên tôi cùng chồng cũng lên nhà cậu ta để động viên gia đình, đồng thời cũng đi phúng điếu như người thân quen. Sau khi xảy ra chuyện đáng tiếc trên, việc buôn bán của tôi gặp rất nhiều khó khăn, mọi người cứ đồn nhảm ăn ốc có thể gây nên chết người. 
Cơ quan chức năng đã đã tới kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm một cách cụ thể. Làm gì mà ăn ốc phải chết, nếu chết vì ốc thì hôm đó chết “ti tỉ” người rồi. Bình thường quán tôi bán từ chiều tối đến đêm doanh thu gần 2 triệu, thế nhưng cả tháng nay ế ẩm lạ thường, số lượng chỉ chưa bằng 1/3 trước đây. Tôi còn nuôi bốn miệng ăn, nếu tình hình ế ẩm như thế này chắc tôi phải đóng quán thôi, mà không phải một mình quán tôi bị ế, các quán ốc khác cũng đều thê thảm như thế hết”.
Không phải vì ốc, vậy có phải vì rượu? Xa lộ Pháp luật đã tìm đến cơ sở sản xuất rượu gạo Thủy Dương. Chị Phạm Thị Khánh Tâm (34 tuổi, chủ cơ sở, ngụ phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng buồn bã như người bán ốc: 
“Những ngày qua, thông tin về việc có 2 người uống rượu của cơ sở chúng tôi khiến 1 người tử vong, người còn lại nguy kịch cũng đã khiến nhiều người hồ nghi. Sản lượng rượu tiêu thụ đang bị giảm sút. Tôi cũng đã được cơ quan chức năng mời lên làm việc, nhưng tôi tin tưởng vào chất lượng rượu gạo mà chúng tôi cung cấp.
Bình thường chúng tôi tiêu thụ được 3000 chai/1 tháng nhưng trong tháng vừa qua tiêu thụ cực kỳ ít, một phần vì tin đồn do uống rượu Thủy Dương có thể gây nên chết người, một phần thời gian qua là mùa hè nên bán ít chạy”.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn Thực phẩm cho biết anh Hiếu tử vong vì phù phổi cấp.
 Chi cục trưởng Chi cục An toàn Thực phẩm cho biết anh Hiếu tử vong vì phù phổi cấp.
Chị Tâm liệt kê: “Rượu của cơ sở tôi là sản phẩm truyền thống được chế biến theo phương pháp chưng cất rượu cổ truyền, sử dụng phương pháp lão hóa rượu. Men rượu cũng như gạo chọn lựa kỹ càng, công nhân thường xuyên được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ sở tự lắp đặt công nghệ kỹ thuật trong lọc, khử tạp chất để đạt chất lượng tối ưu. Mỗi lô hàng điều được cơ quan kiểm tra chặt chẽ rồi 6 tháng lại tổng kiểm tra 1 lần. Rượu của chúng tôi không thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh thanh niên đó được”. 
Không vì ốc, cũng không vì rượu, vậy đột tử vì nguyên nhân gì? Xa lộ Pháp luật tiếp tục tìm gặp Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Ngọc Diễn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Thực phẩm tỉnh Thừa Thiên - Huế, đơn vị chịu trách nhiệm điều tra sự việc này.
Bác sĩ Diễn cho biết: “Sau sự việc trên, chúng tôi đã lấy mẫu rượu từ phần còn lại trong chai rượu Hiếu và Lộc đang uống để đi kiểm tra. Kết quả phân tích và kiểm nghiệm hàm lượng Methanol vẫn thấp hơn 5 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Vụ rượu nếp 29b Hà Nội vào cuối năm 2013, hàm lượng Metanol vượt đến 1900 lần tiêu chuẩn mà chỉ có 6 người chết, thì.cái chết của anh Hiếu không phải do ngộ độc rượu.
Quán ốc Tý chúng tôi cũng đã đi kiểm tra và hoàn toàn không có dấu hiệu mất vệ sinh, ốc cũng không có độc tố. Anh Lộc là người nhậu cùng người chết không có biểu hiện của ngộ độc, do gia đình lo sợ nên mới cho nằm viện và người này cũng bỏ trốn về nhà ngay chiều hôm sau”.
Và đây là nguyên nhân cái chết của người thanh niên xấu số. Kết luận của Trung tâm Giám định Pháp Y tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 3/5: Hiếu có bệnh lý tim mạch nhẹ, nguyên nhân đột tử do phù phổi cấp. Ngày 9/5, Sở Y tế cũng đã có công văn số 719/SYT-NVY một lần nữa tái khẳng định nguyên nhân trên, xem như khép lại vụ việc./.

Đọc thêm