Giải pháp căn cơ để giảm thiểu tai nạn giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong 3 ngày nghỉ lễ, toàn quốc xảy ra 81 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 37 người, bị thương 52 người... Cần làm gì để giảm thiểu tai nạn khi 95% những vụ tai nạn giao thông xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện?
Tai nạn giao thông vẫn là vấn đề “nóng” trong các dịp lễ. (Ảnh minh họa)
Tai nạn giao thông vẫn là vấn đề “nóng” trong các dịp lễ. (Ảnh minh họa)

Ám ảnh tai nạn giao thông dịp lễ

Trong dịp nghỉ lễ, nhiều tỉnh, thành đã ghi nhận đón lượng khách tăng đột biến. Đơn cử, Sở Du lịch Quảng Ninh ghi nhận các điểm tham quan nổi tiếng của tỉnh đón tới 150.000 lượt du khách. Trong khi đó, số lượng du khách tới khu du lịch Đồ Sơn (Hải Phòng) cũng lên khoảng 110.000 lượt. Tại Quảng Bình, Sở Du lịch thông tin trong dịp lễ tỉnh đã đón khoảng 30.000 lượt khách. Còn riêng vùng Đất Tổ Phú Thọ, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng ước tính đã đón khoảng 1 triệu lượt khách đến đây từ đầu tháng 4, riêng ngày 10/4 đã đón hơn 200.000 lượt – con số được coi là kỷ lục kể từ khi dịch bệnh.

Trong khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao là một điều đáng mừng, tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng lại là một vấn nạn nhức nhối. Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), trong ba ngày nghỉ lễ, toàn quốc xảy ra 81 vụ TNGT đường bộ, làm chết 37 người, bị thương 52 người. Trong đó, có 1 vụ TNGT giữa 2 xe máy ở Khánh Hoà gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết 3 người.

Ngoài ra, lực lượng CSGT đường bộ của các địa phương đã kiểm tra, xử lý 15.951 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), nộp Kho bạc Nhà nước 17,18 tỷ đồng; tạm giữ 62 xe ô tô 1.971 xe mô tô; tước 1.236 GPLX các loại, 1.040 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị kiểm tra, xử lý; 3.429 trường hợp vi phạm được phát hiện qua hệ thống camera giám sát. Đường sắt, đường thủy, không ghi nhận xảy ra tai nạn.

Trong nhiều nguyên nhân được các ngành chức năng chỉ ra thì nguyên nhân chủ yếu lại xuất phát từ sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông. Theo một thống kê, có tới 95% những vụ TNGT xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Các hành vi như đi không đúng làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, lấn trái đường, thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ,… đều tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn cho chính người vi phạm và người xung quanh.

Có thể thấy, trên những quốc lộ, tỉnh lộ có sự kiểm soát của lực lượng CSGT thì hoạt động giao thông có thể trật tự hơn. Tuy nhiên, khi vắng bóng lực lượng này, tình trạng vi phạm giao thông vẫn còn xảy ra. Đáng nói, không phải người tham gia giao thông không nhận thức được về văn hoá giao thông mà chủ yếu bởi ý thức tự giác còn kém.

Xây dựng văn hóa giao thông: Khó nhưng phải làm

Từ lâu việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp căn cơ nhất nhằm kiềm chế TNGT. Chúng ta không thể phân bổ lực lượng chốt canh hết các ngã đường, giao lộ hay lắp đặt camera trên khắp các con phố. Do đó, khi văn hóa giao thông được nâng lên thì những hành vi sai trái sẽ bị lên án, tẩy chay, tạo hiệu ứng sâu rộng trong cộng đồng khiến mọi người tuân thủ các quy tắc ứng xử chung khi tham gia giao thông.

Tình hình giao thông có thể cải thiện hơn trong dịp lễ, Tết và giờ cao điểm nếu mỗi người điều khiển phương tiện tự ý thức cho bản thân và cộng đồng những vấn đề như: không lái xe khi đã uống rượu bia; tự giác tuân thủ tín hiệu giao thông; không chen lấn, giành đường; bình tĩnh, ưu tiên nhường đường cho người già, trẻ em; không tranh cãi, đánh nhau khi xảy ra va chạm; đội mũ bảo hiểm cho mình và trẻ em…

Để xây dựng văn hóa giao thông cho người dân, các cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều giải pháp truyền thống như phát tờ rơi; phát thanh tuyên truyền về luật giao thông trong các khu dân cư; tổ chức các hoạt động giáo dục ý thức tham gia giao thông trong học đường; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông;… Công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức và văn hóa khi tham gia giao thông cũng được triển khai đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội như học sinh, thanh niên, công nhân, người lao động, công chức… Tuy nhiên, thực tế cho thấy TNGT vẫn không thuyên giảm đáng kể. Nghịch lý này đặt ra yêu cầu phải có những đổi mới trong mô hình và phương pháp tuyên truyền để nâng cao hiệu quả.

Sự phát triển của truyền thông đại chúng cũng là điều kiện thuận lợi để tăng cường giáo dục ý thức, lối sống, văn hóa giao thông bên cạnh sự cải tiến trong giáo dục học đường và gia đình. Một ví dụ điển hình là Giải Marathon vì ATGT năm 2022 hiện đang được dư luận chú ý. Giải chạy được tổ chức bởi Ủy ban ATGT Quốc gia và Báo Giao thông sẽ diễn ra vào 16/4 tại chùa Tam Chúc (Hà Nam). Đây là lần đầu tiên có một giải chạy quy mô được tổ chức với khẩu hiệu “An toàn giao thông - Hạnh phúc cho mọi nhà”, nhằm lan tỏa những thông điệp nhân văn trong công tác đảm bảo ATGT tới cộng đồng. Theo thông tin từ ban tổ chức, chỉ sau 5 ngày mở cổng đăng ký, số lượng vận động viên đăng ký tham gia giải đã gần đạt mốc 1.000 người.

Trong thời gian tới, kỳ vọng sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa, sáng tạo hơn nữa, nhằm tạo hiệu ứng sâu rộng trong cộng đồng, góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong toàn xã hội.

Đọc thêm