Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, rà soát và hoàn thiện các quy định của pháp luật và thực hiện tài chính công khai chính là giải pháp để không còn “khoảng trống” cho tham nhũng.
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Bộ Tài chính tổ chức ngày hôm qua (18/1).
Tham nhũng vẫn có “đất sống”
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, mặc dù trong những năm qua, công tác PCTN được ngành tài chính triển khai đầy đủ, toàn diện, từ việc ban hành các chế độ chính sách nhằm hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành, xây dựng các quy trình, quy chế, xây dựng và thực hiện các kế hoạch thanh tra, kiểm tra… nhưng trên thực tế, tham nhũng vẫn còn.
10 năm thực hiện Luật PCTN, Thanh tra ngành Tài chính đã triển khai 341.403 cuộc thanh tra, kiểm tra (trong đó: 39.913 cuộc thanh tra, kiểm tra nội bộ, cơ quan thuế 16.787 cuộc, cơ quan hải quan 419 cuộc, Kho bạc Nhà nước 22.670 cuộc…), đã kiến nghị xử lý về tài chính số tiền trên 90.700 tỷ đồng; đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài chính với các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách quản lý tài chính; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.634 cá nhân có vi phạm (chủ yếu là cán bộ, công chức vi phạm quy trình, nghiệp vụ, quy chế nội bộ,…).
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, tham nhũng. Trong số 125 vụ việc tham nhũng bị phát hiện (trong đó phát hiện qua công tác kiểm tra nội bộ là 102 vụ việc, qua công tác thanh tra là 16 vụ việc, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo là 7 vụ việc) với số đối tượng có hành vi tham nhũng bị phát hiện là 134 người, Bộ Tài chính đã phối hợp với cơ quan điều tra khởi tố 34 vụ việc tham nhũng, truy tố 7 vụ án tham nhũng.
Số vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử là 42 vụ với 66 đối tượng bị kết án tham nhũng; số vụ việc tham nhũng đã được xử lý hành chính là 113 vụ với 121 cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật, số vụ việc tham nhũng đã được phát hiện, đang được xem xét để xử lý là 5 vụ với 5 đối tượng. Qua giải quyết 57 vụ tố cáo liên quan đến tham nhũng (trong tổng số 58 vụ việc tố cáo tham nhũng thuộc thẩm quyền), đã phát hiện 7 vụ việc với 12 người có hành vi tham nhũng.
Khó thu hồi
10 năm thực hiện Luật PCTN, đã có 166 vụ việc liên quan đến tham nhũng được Bộ Tài chính và các cơ quan PCTN phát hiện với giá trị tài sản bị tham nhũng, gây thiệt do tham nhũng là 66.594 triệu đồng, tuy nhiên chỉ có 30.194 triệu đồng tài sản tham nhũng đã được thu hồi, bồi thường…
Lý giải về tỷ lệ thu hồi, bồi thường chưa được một nửa số phát hiện, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Việc thu hồi tài sản tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra nội bộ đối với những hành vi vi phạm chưa đến mức độ là tội phạm, do các cơ quan của Bộ Tài chính khi tiến hành thanh tra, kiểm tra ra quyết định thu hồi.
Đối với những trường hợp có dấu hiệu tội phạm tham nhũng thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng, sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án có trách nhiệm thu hồi tài sản do tham nhũng.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất trong thu hồi, bồi thường tài sản tham nhũng là do vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Thực tế, một số quy định về thu hồi tài sản tham nhũng mới đề cập đến các nội dung khái quát, mang tính nguyên tắc nên khó thực hiện trong thực tiễn.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị các đơn vị trong ngành tiếp tục rà soát các quy định của phát luật, đảm bảo tài chính minh bạch, công khai, không để khoảng trống cho tham nhũng, lãng phí.
Bộ trưởng cũng lưu ý, tới đây tiếp tục rà soát vì có những việc mới phát sinh (tình hình tiền tệ thế giới, giá dầu giảm…) nên chính sách rất quan trọng, phải phù hợp với yêu cầu quản lý và thực tiễn để ứng phó kịp thời, đồng thời tiếp tục hoàn thiện một bước về thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ… Đặc biệt, trong lĩnh vực thuế, cần rà soát được những quy trình liên quan tới cán bộ thuế, đến nghiệp vụ để người dân biết và giám sát…