Phải thu hồi tài sản không rõ nguồn gốc

(PLO) - Hiện chế tài mới chỉ tập trung xử lý hành chính với các vi phạm về thời hạn trong việc tổ chức kê khai, công khai, tổng hợp, báo cáo về minh bạch tài sản, thu nhập mà “chưa đủ sức răn đe đối với các trường hợp không tuân thủ, cố tình che dấu, khai man hoặc tẩu tán tài sản.
Cần cơ quan chuyên ngành quản lý thông tin kê khai tài sản, thu nhập
Cần cơ quan chuyên ngành quản lý thông tin kê khai tài sản, thu nhập

Sáng nay (29/12), Thanh tra Chính phủ với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện đề án cơ sở dữ liệu về minh bạch tài sản, thu nhập.

Làm nhiều nhưng chưa được bao nhiêu

Ông Ngô Hùng Sơn – Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, minh bạch tài sản, thu nhập (MBTSTN) của cán bộ, công chức, viên chức(CBCCVC) là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng. Qua 10 năm thực hiện đã có hơn 5,5 triệu lượt người MBTSTN.

Tuy nhiên số lượng bản kê khai quá lớn, được lưu giữ tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị trên toàn quốc, không có sự liên thông, số lượng bản kê được xác minh chiếm tỷ lệ thấp, số người bị phát hiện vi phạm các quy định về MBTSTN còn thấp nên MBTSTN vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Thống kê từ năm 2007-2014 cho thấy, với gần 1,4 triệu bản kê khai, nhưng mới xác minh được 2.632 bản và xử lý kỷ luật được 18 trường hợp kê khai không trung thực. Riêng năm 2014, kê khai hơn 1 triệu bản, xác minh được 1.225 bản và xử lý kỷ luật được 03 trường hợp kê khai không trung thực.

Theo Thanh tra Chính phủ, hệ thống pháp luật về MBTSTN chưa hoàn thiện, chế tài để xử lý các trường hợp sai phạm liên quan đến hoạt động MBTSTN của CBCCVC còn chưa đủ mạnh, chưa xem việc công khai minh bạch bản kê khai TSTN là biện pháp nhằm hạn chế các sai phạm trong kê khai…

Hiện chế tài mới chỉ tập trung xử lý hành chính với các vi phạm về thời hạn trong việc tổ chức kê khai, công khai, tổng hợp, báo cáo về MBTSTN mà “chưa đủ sức răn đe đối với các trường hợp không tuân thủ, cố tình che dấu, khai man hoặc tẩu tán tài sản.

Theo ông Ngô Hùng Sơn, cần quy định xử lý hình sự đối với hành vi gian dối trong kê khai, đề xuất truy thu thuế thu nhập đối với TSTN phát sinh, đề xuất thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc.

Không ai quản thông tin MBTSTN

Bên cạnh đó, chưa có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập trên toàn quốc nên MBTSTN rơi vào tình trạng “không ai quản”.

Với mục tiêu, việc MBTSTN vừa ngăn ngừa xung đột lợi ích, vừa phát hiện làm giàu bất chính để phòng và ngăn chặn hành vi tham nhũng, ông Phí Ngọc Tuyển - Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh cần xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm thu thập quản lý và tổng hợp thông tin về kê khai, MBTSTN của CBCCVC trên toàn quốc để không còn tình trạng nhiều đầu mối nắm giữ thông tin MBTSTN nhưng không đơn vị nào chịu trách nhiệm chính khiến việc kê khai chỉ mang tính hình thức…

Tổ công tác xây dựng Đề án kiến nghị giao Thanh tra Chính phủ là cơ quan quản lý hệ thống dữ liệu quốc gia về kê khai MBTSTN. Hệ thống gồm 2 cấp: dữ liệu TƯ và dữ liệu địa phương (do Thanh tra cấp tỉnh quản lý). Cùng với đó là thành lập cơ quan chuyên trách về công tác MBTSTN theo mô hình "vừa phân tán, vừa tập trung" để chủ động kiểm soát nguồn gốc, dòng TSTN bất hợp pháp thông qua quản lý về MBTSTN

Tuy nhiên, theo đại diện một số Thanh tra tỉnh, để tăng hiệu quả MBTSTN, quan trọng là phải thu hẹp đối tượng kê khai đối với những người có chức vụ, có thẩm quyền “ký tên đóng dấu” ở cơ quan. Đồng thời, phải tính đến thời gian kê khai phù hợp, không thể định kỳ hàng năm vì với đa số đối tượng kê khai, một năm khó có biến động về TSTN để kê khai. Đặc biệt, phải tính đến việc kiểm soát được thu nhập của người thuộc diện kê khai khi “chúng ta vẫn đang theo nền kinh tế tiền mặt”.

Đọc thêm