Mô hình tủ sách pháp luật (TSPL) ra đời nhằm mục đích lưu giữ, khai thác và sử dụng sách, báo, tài liệu pháp luật để phục vụ công tác của cán bộ, công chức chính quyền và đoàn thể ở cơ sở, phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân nhằm giúp tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và thực hiện dân chủ ở cơ sở. PBGDPL thông qua mô hình TSPL đã có bước phát triển mới, đa dạng, phong phú hơn, phát triển mạnh mẽ.
Đối với TSPL tại các xã, phường, thị trấn, cả nước có 11.263 tủ sách/10.999 xã, phường, thị trấn trong toàn quốc. Một số đơn vị cấp xã còn xây dựng được 2 TSPL/1 đơn vị.
Đối với TSPL tại cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, nhà trường và cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, năm 2009, cả nước đã xây dựng được 24.075 TSPL thì đến nay, cả nước có 60.308 TSPL ở cơ quan, đơn vị.
Cũng như các địa phương khác, ở Thanh Hóa, 100% cấp xã, phường đã có tủ sách pháp luật |
Nhìn chung, mô hình TSPL đã phát triển và nhân rộng rất nhiều, tạo được nhiều “kênh” tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, nhân dân như Tủ sách, ngăn sách pháp luật tại điểm bưu điện – văn hóa xã do ngành Thông tin và Truyền thông quản lý; Tủ sách của cấp ủy Đảng theo Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật quản lý; Thư viện cấp xã do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý; Tủ sách, ngăn sách pháp luật tại Đồn biên phòng; Tủ sách, túi sách pháp luật lưu động tại các vùng dân tộc, tôn giáo và xã hội hóa công tác này với mô hình ngăn sách, túi sách tại các làng, ấp, khóm, khu dân cư văn hóa, giỏ sách pháp luật tại khu công nghiệp…
Nổi bật là lực lượng Công an nhân dân với 100% Công an các đơn vị, địa phương đều trang bị TSPL từ cấp Trung ương đến cấp xã, phường, thị trấn với 160.444.064 cuốn sách/21.837 đầu sách. Trong đó, số lượng sách được bổ sung, cấp phát từ nguồn tài liệu do Bộ Công an biên soạn hàng năm là 160.185.696 cuốn. Công an Tây Ninh tiên phong xây dựng TSPL điện tử.
TSPL đã được phủ rộng trên toàn quốc với nhiều mô hình, góp phần củng cố, duy trì văn hóa đọc sách, nâng cao dân trí, cơ bản đáp ứng nhu cầu tài liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành, giải quyết các công việc hàng ngày theo pháp luật của hệ thống chính trị cơ sở, cơ quan, đơn vị; đáp ứng một phần nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân. TSPL còn là nơi lưu trữ, bảo quản các sách, tài liệu với ý nghĩa là tài sản công. Việc ra đời mô hình TSPL đã góp phần đa dạng hóa các hình thức TSPL, đưa pháp luật đi vào đời sống thực tiễn.
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang bên tủ sách pháp luật của đơn vị |
Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều ý kiến đánh giá hiệu quả của TSPL ở các xã, thị trấn chưa đáp ứng so với yêu cầu, mục đích đề ra. Vì vậy, để mô hình TSPL mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ công tác của cán bộ, công chức và góp phần nâng cao nhận thức pháp lý, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, các bộ, ngành, địa phương đã luôn đổi mới, sáng tạo.
Đặc biệt, trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác TSPL, trong đó quy định về xây dựng TSPL điện tử quốc gia. Đây được xem là giải pháp đột phá đối với kênh PBGDPL hiệu quả trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo Quyết định 14, TSPLĐT quốc gia do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng và quản lý thống nhất, được vận hành, khai thác, sử dụng chung trong phạm vi toàn quốc theo hướng tích hợp với Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, bảo đảm thuận tiện, đáp ứng yêu cầu tiếp cận thông tin, PBGDPL của cá nhân, tổ chức.
Sách, tài liệu pháp luật cập nhật phải phù hợp, thiết thực, bảo đảm chất lượng. Việc vận hành, bảo trì, giám sát, nâng cấp, phát triển, bảo đảm an toàn TSPL điện tử quốc gia; kiểm tra việc quản lý TSPL điện tử quốc gia được thực hiện theo quy định về quản lý thông tin, dữ liệu điện tử…