Dự án Gami Hội An được giới thiệu có tổng vốn đầu tư 43 triệu USD. Tổng diện tích quy hoạch dự án hơn 11,3 ha; gồm một cồn bãi lớn, một cồn nhỏ trên sông Hoài và một phần trên bờ thuộc phường Cẩm Châu và phường Cẩm Nam (TP Hội An), cách khu phố cổ Hội An khoảng 40m. Dự án bao gồm tổ hợp các công trình dịch vụ du lịch và trung tâm hội nghị đa chức năng với diện tích 16 ngàn m2, có thể phục vụ 800-950 người...
Phá vỡ cảnh quan, hay giúp Hội An thêm ấn tượng?
Có ý kiến cho rằng dự án sẽ làm phá vỡ không gian chung của Hội An. Một số nhà văn hóa thì cho rằng, cồn là đặc sản của Hội An, nét đặc trưng của Hội An. Nếu cứ bê tông hóa các cồn Bắp, cồn Mía… ở Hội An sẽ làm mất đi sự yên bình, tĩnh lặng vốn có của Hội An.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng dự án bê tông hóa ở cồn Bắp sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Hoài, từ đó gây ra tình trạng sạt lở ở bờ bên kia. Hơn nữa, mùa lũ sẽ khiến nước khó thoát nhanh ra cửa Đại, người dân Hội An sẽ “lãnh đủ”. Còn nữa, dòng nước lũ sẽ dạt về phía phố cổ, khiến phố cổ vốn đã ngập vào mùa lũ sẽ càng ngập sâu hơn, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Bên cạnh những ý kiến chưa đồng tình với việc xây dựng dự án này là nhiều ý kiến ủng hộ.
“Thực ra cũng nên có cái gì đó để du khách đến Hội An có “ấn tượng”. Nếu lưu trú tại Hội An thì đêm xuống chơi gì? Chẳng có gì ngoài đi bộ quanh phố hội, chèo thuyền trên sông để thả đèn. Như vậy thì việc có một công viên văn hóa để du khách “hoài cổ” cùng Hội An, qua đó hiểu về lịch sử, văn hóa, con người Hội An cũng là điều nên làm”, doanh nhân Nguyễn Thu Thảo, Giám đốc một doanh nghiệp tại TP HCM nêu quan điểm.
Con đường tơ lụa ánh sáng được vẽ bằng hiệu ứng mapping trong Show diễn |
Một du khách ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: “Du lịch là phục vụ nhiều đối tượng du khách. Không phải ai đến với Hội An cũng thích cái tĩnh lặng, êm đềm của Hội An. Nếu bên cạnh khoảng lặng ở phố cổ, qua tới cồn bắp là một không gian văn hóa xưa có, nay có cùng với chương trình nghệ thuật thực cảnh Ký ức Hội An thì sẽ khiến Hội An thêm thú vị, có cái để níu chân du khách ở lại đêm này qua đêm khác”.
Cũng trong luồng ý kiến ủng hộ, một số du khách ở TP HCM cho rằng cũng nên làm gì đó để du lịch Hội An có tính mới. “Du lịch không nên “dậm chân tại chỗ” mãi. Đừng để năm nay đến Hội An cũng chỉ phố cổ, sông Hoài, biển cửa Đại, Cù Lao Chàm. Mười năm sau quay trở lại Hội An cũng chỉ có vậy. Du lịch cần cái mới mẻ, thu hút du khách. Việc ra đời một công viên văn hóa và một chương trình biểu diễn Ký ức Hội An là điều nên làm”, bà Phạm Thanh Thủy, một du khách ở quận 2, TP HCM chia sẻ.
Chủ đầu tư nói gì?
Trước dư luận thời gian qua khen chê nhiều chiều về dự án, ông Đào Quang Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Gami Hội An đã có những giải thích cụ thể với PLVN.
"Chúng tôi yêu Hội An như quê hương mình"
Nói về tính pháp lý của dự án, ông Tùng cho biết: “Để có giấy phép xây dựng, chúng tôi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan đến vấn đề đất đai, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy, chữa cháy, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, đặc biệt là các phương án kiến trúc, hình thức kiến trúc phải được thông qua bởi UBND TP Hội An. Hội An cũng đã có hai Thông báo (số 985/TB – UBND ngày 22/11/2017 và 223/UBND ngày 19/1/2018) cơ bản thống nhất với phương án kiến trúc, các hạng mục công trình giai đoạn 1, cho phép tối đa các công trình dự án hai tầng, riêng công trình điểm nhấn cho phép tối đa 16,5m, lưu ý xử lý hình thức mái che khán đài tránh cảm giác nặng nề và điều chỉnh cổng chính theo kiến trúc đơn giản, phù hợp với địa phương. Việc thi công các hạng mục phía trên kè đã được cấp phép từ năm 2008, nên được tiếp tục triển khai. Hiện tại, dự án đã được cấp giấy phép xây dựng giai đoạn 1”.
Trả lời các thắc mắc về chiều cao công trình vượt quá quy định, ông Tùng nói: “Dự án đã được UBND Quảng Nam thống nhất về nguyên tắc cho Công ty CP Gami Hội An tiếp tục triển khai trên cơ sở kế thừa dự án Trung tâm hội nghị - Làng du lịch sinh thái Gami Hội An (2004). UBND tỉnh, sở, ngành và chính quyền Hội An đã xem xét phương án quy hoạch, xác định có một công trình điểm nhấn với chiều cao 16,5m. Như vậy, chiều cao xác định 16,5m đã được thống nhất từ 2004 đến nay trên cơ sở dự án ban đầu và chuyển tiếp đến 2016 cũng giữ nguyên như vậy. Vấn đề chiều cao này cũng đã được họp nhiều lần giữa tỉnh, Hội An và các phòng chuyên môn và đã có kết luận rõ ràng. Khu vực triển khai dự án nằm ngoài vùng đệm khu phố cổ, cách vùng đệm khoảng 600m. So với các công trình lân cận, nó ở xa khu phố cổ nên không ảnh hưởng gì đến vùng lõi cũng như vùng đệm. Nói như vậy để thấy trong quá trình nghiên cứu cũng đã xem xét trên hồ sơ quy hoạch cũng như trên thực tế cụ thể thấy chiều cao bảo đảm cho công trình”.
“Chiều cao của từng công trình đều được cân nhắc rất cẩn trọng”
“Khi về đầu tư tại Hội An, chúng tôi đã xác định sẽ sống lâu dài ở Hội An, trở thành người dân Hội An nên đã coi Hội An như quê hương của mình. Mọi người quan tâm tới cảnh quan môi trường và tương lai của các cồn ở Hội An như thế nào, chúng tôi còn quan tâm hơn thế bởi chúng tôi sống cùng với cồn, vun đắp cho công trình mình đầu tư bao tâm huyết. Chúng tôi khẳng định, ở Dự án Công viên văn hoá chủ đề Ấn tượng Hội An, ngoài chiều cao công trình điểm nhấn là khán đài ngoài trời cao 16,3m (trong quy định là 16,5m), các công trình khác trong khu công viên và dự án cao không quá 10,5m”.
Liên quan đến lo lắng của dư luận về tác động của dự đối với môi trường, ông Tùng giải thích: “Ngày 18/10/2017, chúng tôi đã trình báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với đầy đủ cam kết về xử lý chất thải, cảnh quan, môi trường, kể cả tác động của dòng chảy, khí hậu… Ngày 26/10/2017, Sở TN&MT trình báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và đã được UBND tỉnh chính thức phê duyệt theo Quyết định số 3832/QĐ – UBND ngày 30/10/2017. Dự án tuân thủ các yêu cầu về phòng ngừa, ứng cứu sự cố, vệ sinh công nghiệp, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, an toàn hóa chất trong quá trình thực hiện. Tất cả máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu được sử dụng trong dự án đều không thuộc danh mục cấm sử dụng ở Việt Nam. Khi tiến hành xin cấp phép, chúng tôi đã lấy đủ ý kiến của các cơ quan ban ngành chuyên môn của Quảng Nam cũng như chính quyền Hội An và cả người dân Hội An”.
Ông Tùng nói: “Cũng xin nhấn mạnh, Hội An rất đẹp, rất thơ mộng. Không ai nỡ phá vỡ đi những điều đó, kể cả chúng tôi. Vì thế, với tinh thần cầu thị và thái độ nghiêm túc, chúng tôi thấy rằng nhiều ý kiến về dự án này cũng như chương trình biểu diễn Ký ức Hội An là rất đáng quan tâm, chúng tôi sẽ tiếp thu và điều chỉnh”.
Hồng Thuý (ghi)
Một cảnh trong show diễn “Ký ức Hội An” |
Lãnh đạo Tp. Hội An: Địa phương “nghiêm túc lắng nghe dư luận”
Về phía lãnh đạo địa phương, sau khi có phản ánh từ Báo PLVN, chiều 17/4, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) thông tin, 1 tổ công tác do lực lượng chức năng tỉnh và TP. Hội An cử ra, đã liên hệ trực tiếp để đi kiểm tra, làm việc với Công ty CP Gami Hội An về điều chỉnh quy hoạch dự án Công viên văn hóa Hội An (cồn Gami, TP. Hội An).
Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, buổi kiểm tra nhằm đối chiếu lại hồ sơ xây dựng, quy hoạch, hiện trạng công trình, từ đó có các bước trao đổi với chủ đầu tư, để xem xét việc đơn vị này xin thay đổi thiết kế 1/500 sau khi có phản ứng của dư luận cũng như báo chí. Những ngày tới, theo ông Dũng, TP Hội An cũng sẽ lấy ý kiến các phòng ban chuyên môn, các sở ngành và các đơn vị để đánh giá một cách toàn diện bản thiết kế chỉnh sửa.
Theo Chủ tịch UBND tp. Hội An Nguyễn Văn Dũng, sau khi báo chí nêu, chủ đầu tư đã có hướng cầu thị, tiếp thu ý kiến, nên Hội An cũng cố gắng làm việc với chủ đầu tư và các bên, để làm sao dự án có thể hạn chế tối đa tác động, tiếp tục được triển khai. Để xảy ra sự việc khá phức tạp như hiện nay, ông Dũng thừa nhận chính quyền TP. Hội An có lỗi. “Chúng tôi nhận một phần trách nhiệm và từ nay không đôi co nữa, bởi sẽ không có lợi cho bên nào cả. Sai sẽ sửa”, ông Dũng trải lòng.
Về thông tin năm 2016 UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận cho tái khởi động dự án, ông Dũng nêu, trên hồ sơ của chủ đầu tư trình có xin làm một hạng mục nhà hát với công năng phục vụ hàng ngàn chỗ, sẽ đưa chương trình nghệ thuật của Trương Nghệ Mưu và Ma Soái Nguyên (hai người nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật) vào biểu diễn. Vì thế ông và tập thể thường vụ Thành ủy Hội An đã đồng thuận, để từ đó UBND tỉnh cùng các sở ngành làm thủ tục tái khởi động dự án.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn khẳng định, trong việc tái khởi động dự án Gami rõ ràng có ý kiến của tập thể lãnh đạo Hội An, nếu phủ nhận là không đúng, bởi có sự đồng thuận hồ sơ mới tiếp tục triển khai được. “Hồ sơ còn nằm đó, đâu thể chối bỏ. Quan điểm của cá nhân tôi và tôi cũng đã nói trước cuộc họp của lãnh đạo TP, các phòng ban, Thường trực UBND TP Hội An như vậy”, ông Sơn nhắc lại. Nhiều người cho rằng, việc ông Dũng lên tiếng xác nhận đã làm thỏa mãn hoài nghi của dư luận những ngày qua.
Trao đổi với Báo PLVN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cũng khẳng định, chính quyền không bảo thủ mà sẽ nghiêm túc lắng nghe dư luận, cái gì không đúng, không phù hợp nhất định sẽ phải sửa.
Vân Anh
Nguyên Bí thư TP. Hội An Nguyễn Sự:
“Cuộc sống luôn đi tới, Hội An cũng không nằm ngoài qui luật đó, nếu chúng ta bắt Hội An đứng yên là điều không thể. Ngày hôm nay đã khác ngày hôm qua, những suy nghĩ và việc làm của ngày hôm qua là đúng, thì ngày hôm nay có thể bất hợp lý rồi. Do đó, chúng ta đừng yêu cầu anh em bây giờ không được làm gì cả. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nếu chúng ta cứ đem cái hôm qua áp đặt vào cái hôm nay và ngược lại, vô tình chúng ta rơi vào trạng thái “ảo tưởng”.
Thời kỳ anh em tôi làm, có nhiều việc lúc đó tôi cho là đúng, hôm nay nhìn lại tôi thấy “trật lất”. Cho nên mọi điều cần phải hết sức bình tĩnh. Trước một cái mới bao giờ cũng có những nhìn nhận khác nhau, ý kiến khác nhau, phản ứng khác nhau, đó là chuyện bình thường. Mỗi người đều có cách tiếp cận của riêng mình, nên những ý kiến trái chiều cũng không có gì lạ. Và cũng nhờ những ý kiến trái chiều đó làm cho mỗi người tĩnh tâm đánh giá vấn đề một cách khách quan hơn.
Hội An có được như hôm nay là công sức bao đời của người dân Hội An, của bạn bè Hội An và của cả thế hệ hôm nay đang sống, đang làm việc trong các lĩnh vực kể cả trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của Hội An. Hội An có được như hôm nay là công sức của rất nhiều người từ quan đến dân, của bao thế hệ chứ không phải của riêng ai. Danh tiếng Hội An là do người Hội An tạo nên chứ không phải do một cá nhân nào.
Thời kỳ tôi làm lãnh đạo và thời kỳ của các chú, các cô trước đó, chính anh em lãnh đạo bây giờ góp sức rất lớn cho Hội An và hôm nay anh em đang kế tục xây dựng Hội An. Mỗi giai đoạn phát triển bao giờ cũng có những thách thức. Thách thức ngày hôm nay bao giờ cũng nặng nề, phức tạp hơn thời kỳ trước đó. Mỗi người lãnh đạo có những phương pháp làm việc khác nhau để đạt hiệu quả cao nhất, nhưng khi làm thì có cái đúng, có cái sai, có cái chưa phù hợp trong khi yêu cầu của cuộc sống và của nhân dân ngày càng lớn. Đừng vội quy chụp ai cả vì như thế vô tình lại xúc phạm người khác. Chúng ta hãy chân tình góp ý cho anh em vì anh em là người đang đánh cờ còn mình là người đang xem. “Cờ ngoài, bài trong”. Người đứng ngoài bao giờ cũng sáng nước hơn. Chúng ta chỉ có thể mách nước chứ không thể đánh cờ thay cho anh em được.
Người Hội An kín đáo nhưng không khép kín, cởi mở nhưng chừng mực, trước cái lạ không vồ vập nhưng không cực đoan, không tẩy chay, không bài xích. Lịch sử Hội An là vậy. Người Hội An là vậy. Bao đời nay Hội An đã vậy và bây giờ cũng vậy.
Về dự án Gami, tôi không đồng tình việc nâng cos nền, nâng chiều cao và bê tông hoá. Vì sao? Nâng cos sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy và sẽ làm xói lở hai bên bờ trong mùa mưa lũ, sẽ nguy hiểm cho nhân dân hai bên bờ của Cẩm Châu và Cẩm Nam. Nâng chiều cao của các công trình sẽ làm ảnh hưởng cảnh quan của dòng sông, cảnh quan của phố cổ. Còn một số vấn đề đã tạo ra sự hoài nghi và thắc mắc trong nhân dân. Khi dư luận lên tiếng, các cơ quan chức năng không nên tìm cách chứng minh “cái đúng” của mình và đổ lỗi cho nhau. Điều này đã đổ thêm dầu vào lửa.
Các cơ quan chức năng cần phải lắng nghe với thái độ trọng thị, đừng đối phó với công luận, hãy dũng cảm đối diện thực tế với thái độ cởi mở và chân thành. Cái công luận cần bây giờ không phải là anh đúng hay tôi đúng. Cái người ta cần bây giờ là các cơ quan quản lý nhà nước cần cầu thị lắng nghe và hành động bằng cách tiến hành rà soát lại dự án để điều chỉnh cho phù hợp.
Theo như thông tin tôi biết, dự án mới tiến hành xây dựng giai đoạn 1 và những giai đoạn tiếp theo chưa làm, cũng có nghĩa còn điều chỉnh được. Những gì người ta đã xây dựng được Nhà nước cho phép mà ảnh hưởng đến cảnh quan, sự xói lở hai bên bờ thì tìm biện pháp khắc phục, hạn chế thấp nhất tác động xấu đến môi trường cảnh quan. Còn những cái chưa làm, cần làm việc với nhà đầu tư để điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm mật độ xây dựng, giảm bớt một số hạng mục, giảm chiều cao các đơn nguyên và tăng mật độ cây xanh, bố trí các đơn nguyên cách ra theo hướng xuôi dòng, chứ không tạo ra những bức tường chắn, để có khoảng trống cho nước thoát khi lũ về; tiết chế bớt âm thanh, ánh sáng làm ảnh hưởng đời sống của nhân dân hai bên bờ sông gần dự án...
Điều quan trọng là dự án phải gắn liền với cộng đồng cư dân xung quanh, nếu không làm được lợi cho dân thì đừng để tác động xấu đến họ. Với Hội An không nên làm cái gì quá quy mô, hoành tráng vì không hợp với Hội An...
Vậy đó! Mỗi người yêu Hội An theo cách của mình và lên tiếng theo cách của mình nhưng với Hội An cái gì cũng chừng mực, khoan dung và rộng mở”.
Vũ Vân Anh (lược ghi)