Trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), một nội dung nhận được quan tâm là các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề cập một cách rõ nét, thể hiện tầm quan trọng trong chiến lược về con người của nước ta.
Điều 16 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhấn mạnh việc thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc hơn so với quy định trong văn bản trước đây khi Luật Thủ đô năm 2012 chỉ đặt ra quy định chung về vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo nguyên tắc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước.
Tại một hội thảo mới đây về thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức, các đại biểu đã làm rõ hơn nhận thức chung về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và vấn đề trọng dụng nhân tài hiện nay; đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển N&G (N&G Group) Nguyễn Thanh Đặng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhất là xu thế phát triển chíp bán dẫn, nguồn chất xám - nguồn lực lao động chất lượng và công nhân kỹ thuật cao là điều kiện cần và đủ cho Thủ đô. Do đó, Hà Nội cần có giải pháp thu hút, phát triển nhân tài con người cho phát triển Thủ đô.
Để làm được việc đó, một trong các nội dung quan trọng là cần quy hoạch đồng bộ, chuyên sâu cho lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, cần có các khu công nghiệp - khu công nghệ cao với hệ sinh thái công nghiệp quốc tế phù hợp với ngành công nghệ cao - công nghiệp hỗ trợ và chíp bán dẫn. Đi kèm phát triển hạ tầng cứng thì cần có chính sách ưu đãi phát triển cho thu hút người tài về Thủ đô, chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp và người dân tham gia sâu rộng, không giới hạn.
Trưởng Ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) Trịnh Thị Ngân cho hay, các chính sách của Thủ đô thời gian qua đã nâng cao chất lượng đội ngũ công chức nhằm phục vụ doanh nghiệp tốt hơn.
Tuy nhiên, còn một số bất cập như các chính sách thu hút nhân tài của Hà Nội hiện mới chỉ tập trung vào tuyển dụng đối với một số đối tượng cụ thể; chưa chú trọng đến môi trường làm việc, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập, thăng tiến và các đãi ngộ khác, chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư nên chưa đủ sức hấp dẫn; kinh phí hỗ trợ còn thấp...
Vì vậy, bà Ngân kiến nghị, cần có chính sách như hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có chi phí đào tạo lại nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
TS. Đoàn Thị Tố Uyên
Đồng tình với quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS. Đoàn Thị Tố Uyên (Trường Đại học Luật Hà Nội) đề nghị, cần quan tâm đến tiêu chuẩn, điều kiện của nhân lực chất lượng cao; vị trí được tuyển dụng, bổ nhiệm; nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ một lần và chính sách ưu đãi khác về lương và thu nhập bảo đảm ổn định của nhân lực chất lượng cao so với các cán bộ, công chức, viên chức khác; chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc thích hợp cho nhân lực chất lượng cao; quy trình, thủ tục tuyển dụng và bổ nhiệm cần đơn giản hơn.
Cùng với đó, quan tâm quyền và nghĩa vụ của nguồn nhân lực chất lượng cao khi trở thành cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô (quyền được hưởng chính sách giáo dục, y tế, bảo hiểm, nhà ở, thu nhập...). Ngoài ra, để thu hút, sử dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Thủ đô, cần phải có các chế độ, chính sách đặc thù theo hướng thu nhập cao hơn so với mặt bằng cán bộ, công chức, viên chức của địa phương khác mới có thể giữ họ làm việc lâu dài.