Giải pháp tạo hệ sinh thái nông nghiệp bền vững và đạt mục tiêu Net Zero

(PLVN) - Ngày 19/12, tại TP Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và một số đơn vị tổ chức diễn đàn “Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050”. Diễn đàn là dịp để trao đổi kinh nghiệm trong việc phát triển nền nông nghiệp Việt Nam bền vững theo hướng hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế nhận định, việc thực hiện nông nghiệp “Net Zero” sẽ giúp người sản xuất không chỉ tối ưu hóa tài nguyên, giảm phân bón, nước trong canh tác nông nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm chi phí đầu vào, mà còn giúp cải thiện hiệu suất, chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn chung trong sản xuất sản phẩm theo đúng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, giá trị thương hiệu tăng, dễ tiếp cận các thị trường có giá trị cao.

Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI cho rằng, hiện nay, việc xây dựng và phát triển nền nông nghiệp bền vững là xu thế, dù trong quá trình thực hiện sẽ có rất nhiều khó khăn nhưng lợi ích mang lại là rất lớn, nên không thể không làm. Bởi làm nông nghiệp bền vững là cần cho xã hội, cho sự tồn tại, phát triển của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên trường thế giới, cũng là một biện pháp thị trường cần phải được thực hiện để đáp ứng các yêu cầu của thị trường.

Theo ông Phạm Tấn Công, muốn xây dựng và phát triển nền nông nghiệp bền vững thì phải sản xuất nông nghiệp xanh, có mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, cũng như phải đi từ nhận thức đồng bộ đến hành động đồng bộ. Theo đó, thực hành sản xuất xanh phải có môi trường chính sách xanh, tín dụng xanh, thị trường xanh và làm chủ công nghệ xanh. Đồng thời vai trò dẫn dắt từ các cấp chính quyền địa phương, thực hành triển khai từ người nông dân và có sự liên kết với các tổ chức liên quan cũng là yếu tố quan trọng.

Đại biểu tham dự diễn đàn đóng góp ý kiến.

Bà Huỳnh Kim Định - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL cho biết, biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, tần suất thiên tai, hạn hán, lũ lụt ngày càng nhiều, diễn biến bất thường và các điều kiện khí hậu cực đoan. Trong khi đó, nông nghiệp xanh mang lại nhiều lợi ích, có tác động tích cực đến hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội, giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Do đó, sản xuất nông nghiệp xanh hiện là xu hướng tất yếu.

Theo bà Huỳnh Kim Định, việc thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” là cơ sở nền tảng để phát triển công nghiệp xanh bền vững. Bởi kết quả từ thực tiễn cho thấy, việc triển khai có hiệu quả Đề án đã góp phần nâng cao vị thế lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế và thị trường trong nước, giúp người nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL nâng cao thu nhập, giảm thiểu rủi ro và nâng cao khả năng thích ứng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Theo ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI, mô hình tín chỉ carbon sẽ là giải pháp đột phá để giảm phát thải ngành nông nghiệp.

Về vấn đề giảm phát thải ngành nông nghiệp, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI nêu ý kiến: Một trong những giải pháp đột phá để giảm phát thải là áp dụng mô hình tín chỉ carbon. Đây không chỉ là công cụ thúc đẩy giảm thiểu phát thải mà còn tạo ra nguồn thu mới cho người nông dân thông qua giao dịch tín chỉ. Minh chứng là các mô hình nông nghiệp bền vững như trồng dâu nuôi tằm tại Lào Cai, Vĩnh Phúc đã mang lại hiệu quả rõ nét trong việc kết hợp sản xuất xanh với lợi ích kinh tế.

Cũng tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo các tỉnh Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp, Long An..., các nhà quản lý, các chuyên gia, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân đã thảo luận cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm. Đồng thời trao đổi gợi mở các giải pháp, kiến nghị đề xuất nhiều giải pháp xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Đọc thêm