Gia đình chị Đặng Thị Tình (SN 1971, ở thôn Thanh Lương, xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang) có gần 30 năm trồng hoa. Không chỉ trực tiếp trồng, gia đình chị còn là cơ sở thu mua, đầu mối lớn ở khu vực, cung cấp cho nhiều tỉnh, TP ở miền Bắc.
Những ngày này, vợ chồng chị cùng hàng chục lao động có mặt trên các cánh đồng từ sáng sớm. Gặp gỡ trên con đường bê tông nội đồng, vẫn nguyên bộ quần áo đầy bụi đất, chị Tình nói: “Trước đây gia đình tôi trồng các loại hoa giống cũ, diện tích nhỏ, khi mang đi bán tôi nhận thấy giá trị không cao, chất lượng không đồng đều, bông to, bông nhỏ. Khảo sát tại các thị trường lớn, tôi biết người tiêu dùng có nhu cầu lớn về các loại hoa dịp cuối năm và tháng Giêng, nhất là hoa dơn. Trong khi đó do lao động ở khu vực nông thôn ngày càng ít, vụ đông nhiều nhà bỏ ruộng, không sản xuất. Tôi liền nảy ra ý định thuê, mượn ruộng để trồng hoa”.
Với kinh nghiệm hàng chục năm, việc trồng hoa dơn với chị Tình không khó. Hằng năm diện tích được mở rộng dần, đến nay gia đình chị thuê, mượn gần 30 ha, thường xuyên có chục lao động làm việc; lúc cao điểm lên đến 30 người.
Theo chị Tình, chi phí đầu tư 1 sào hoa khoảng 10 triệu đồng (gồm: Giống, phân bón, thuê nhân công...). Năm 2023, gia đình chị thu khoảng 14,5 triệu đồng/sào, lãi bình quân 4,5 triệu đồng/sào/vụ (3 tháng). Để phục vụ sản xuất, gia đình chị đầu tư xây dựng 2 kho lạnh, ô tô chở hoa đi giao, máy làm đất… trị giá hàng chục tỷ đồng.
Nếu nhập ngoại hoặc mua trong nước thì đội chi phí lên rất cao, thậm chí có những thời điểm khan hiếm không mua được củ hoa giống theo yêu cầu. Nhận thấy bất cập đó, chị Tình tập trung học hỏi, vận dụng kinh nghiệm, kỹ thuật để sản xuất giống. Cơ sở nhà chị Tình đã chủ động sản xuất giống hoa các loại. Đến nay chị bảo đảm mỗi vụ có 70% giống hoa, chất lượng tương đương với củ giống nhập từ nơi khác về; cung cấp cho thị trường hàng vạn cành dơn. Hoa được trồng ở xã Quang Thịnh đã được xuất bán tại nhiều tỉnh, TP lớn trên cả nước, mang về nguồn thu lớn cho người dân.
Không chỉ chị Tình, những năm gần đây, nông dân các xã Thái Đào, Tân Dĩnh, Xương Lâm, thị trấn Kép… liên tục mở rộng diện tích trồng hoa vụ cuối năm. Hiệu quả thấy rõ do thu lãi cao hơn nhiều so với trồng lúa, rau màu truyền thống. Năm 2023, toàn huyện có 240 ha hoa, vụ đông năm nay tăng lên 244,6 ha.
Để bảo đảm sản xuất ổn định, nhiều nơi hình thành các mô hình liên kết, thu hút các gia đình, cá nhân tham gia. Thông tin từ Chi hội nghề nghiệp trồng hoa tổ dân phố Dinh, thị trấn Kép, ban đầu mới thành lập (năm 2018), Chi hội chỉ có 5 hộ tham gia, đến vụ này có đến 54 thành viên với tổng diện tích sản xuất hơn 19 ha.
Ông Nguyễn Minh Hồng, Chi hội trưởng cho biết, khi vào tổ chức, các gia đình hỗ trợ nhau về kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau làm đất, chăm sóc, thu hoạch…, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm ổn định, tránh rủi ro. Năm trước, Chi hội có tổng doanh thu từ hoa dơn, loa kèn, cúc đạt gần 14 tỷ đồng, nhiều gia đình lãi hàng chục triệu đồng nên càng có thêm động lực, quyết tâm.
Chi hội khuyến khích các thành viên trồng hoa gối, rải vụ nhằm liên tục có hoa cung cấp cho thương lái dịp trước, trong và sau Tết. Năm nay, huyện Lạng Giang hỗ trợ Chi hội một máy kéo đa năng trị giá hơn 300 triệu đồng. Trước đó, Chi hội cũng được huyện hỗ trợ xây dựng một kho lạnh để bảo quản củ giống và hoa thương phẩm với dung tích 140 m3 trị giá hơn 570 triệu đồng.
Sự giúp đỡ kịp thời, thiết thực của địa phương giúp nông dân thêm tin tưởng vào hướng đi trồng hoa chất lượng cao, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất.
Nhờ đó, phong trào trồng hoa từ tổ dân phố Dinh đã lan rộng sang các tổ dân phố khác. Vụ này tổng diện tích hoa của thị trấn Kép tăng lên 35 ha, cao hơn 7 ha so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Giang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lạng Giang cho biết, địa phương xác định vụ đông là vụ sản xuất hàng hóa chính trong năm. Trong cơ cấu cây trồng có tính đến hoa các loại.
Với các cơ sở, đơn vị, hộ gia đình trồng hoa dịp cuối năm, huyện và các xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi để thuê, mượn ruộng, nước tưới. Ngành Nông nghiệp, Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh bồi dưỡng, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch hoa, có cơ chế bán phân bón trả chậm; Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm hoa của huyện, kêu gọi các đầu mối, doanh nghiệp, thương nhân tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, mang lại lợi nhuận, hạn chế rủi ro cho người trồng hoa.