Giải pháp thiết thực giúp cải thiện sức khoẻ bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số

(PLO) - Dự án “Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số” do Tổ chức Save the Children (SC) hợp tác cùng Tập đoàn GlaxoSmithKline (GSK) mở ra kỳ vọng về những thay đổi tích cực từng bước trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh (CSSKBMTSS) của người dân trên địa bàn khó khăn huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
Ông James Strenner - Trưởng VPĐD GSK Pte Ltd tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo triển khai dự án
Ông James Strenner - Trưởng VPĐD GSK Pte Ltd tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo triển khai dự án

Theo số liệu năm 2016 của Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu, tỷ lệ đẻ tại nhà là 71,6 % trong đó chỉ 50,3% các trường hợp đẻ tại nhà có sự hỗ trợ của người đỡ đẻ có kỹ năng. Những con số trên cho thấy tỷ lệ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của sản phụ nơi đây còn thấp. Nguyên nhân chính là do nhận thức người dân còn hạn chế, kinh tế khó khăn, giao thông hiểm trở và cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. 

Trước thực trạng trên, tổ chức SC và GSK cùng bắt tay thực hiện dự án “Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số” với những giải pháp thiết thực, trong đó chú trọng vào việc cải thiện cơ sở vật chất cơ bản, cũng như phổ biến kỹ năng thực hành chăm sóc sức khoẻ sinh sản. 

Một trong những mục tiêu trọng tâm của dự án là cải thiện Đơn nguyên sơ sinh (ĐNSS) tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ và Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu. Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài việc phối hợp với bệnh viện Nhi Trung ương để đào tạo các bác sĩ, điều dưỡng sẽ phục vụ cho hoạt động ĐNSS, dự án còn cung cấp các trang thiết bị cần thiết như lồng ấp sơ sinh, máy thở CPAP, bơm tiêm điện, đèn chiếu vàng da. 

Bên cạnh đó, dự án còn thiết lập đơn nguyên chăm sóc trẻ sơ sinh theo phương pháp Căng gu ru (KMC) - một phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại chưa được y tế địa phương triển khai. Theo kế hoạch, dự án sẽ tập huấn cho các cán bộ y tế, đồng thời cung cấp những trang thiết bị cần thiết như máy điều hòa, áo địu, giường, ghế có điều chỉnh.

Ngoài ra, dự án còn phối hợp với Sở Y tế tỉnh Yên Bái cùng các bệnh viện trung ương nhằm nâng cao nhận thức kỹ năng thực hành và CSSKBMTSS, góp phần tăng sự sẵn có và sử dụng các dịch vụ y tế.

Theo đại diện của SC, thông qua các hoạt động, giải pháp, dự án mong muốn cải thiện dịch vụ CSSKBMTSS tại các bệnh viện địa phương thuộc tỉnh Yên Bái, nơi cung cấp dịch vụ y tế cho hơn 67.364 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và 6.224 trẻ em dưới 1 tuổi. 

Đọc thêm