Ngăn ngừa tâm bệnh quấy rầy con trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các bệnh lý về tâm thần hay còn gọi là tâm bệnh, đang ảnh hưởng đến khoảng 15% dân số Việt Nam. Đáng lo ngại, tỷ lệ mắc tâm bệnh ở tuổi vị thành niên đang có xu hướng gia tăng, nếu không nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và đúng cách, có thể gây ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, thậm chí dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử.
Tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế và tâm lý khi nhận thấy trẻ có biểu hiện bất thường. (Ảnh minh họa - Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương)
Tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế và tâm lý khi nhận thấy trẻ có biểu hiện bất thường. (Ảnh minh họa - Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương)

Báo động nguy cơ rối loạn tâm lý ở trẻ vị thành niên

Thời gian qua, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp trẻ tự gây thương tích cho bản thân. Một trong những trường hợp điển hình là nữ sinh T. (15 tuổi), nhập viện sau khi tự rạch tay bằng dao lam do buồn chán và có ý định tự tử.

T. lớn lên trong một gia đình không mấy hạnh phúc, bố mẹ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Thậm chí, T. từng nhiều lần chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, ký ức đau thương ấy đã in sâu vào tâm trí, trở thành nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa với em. Gia đình thiếu sự gắn kết, bố mẹ bận rộn kiếm tiền, chị gái không thân thiết, khiến T. ngày càng thu mình, ít nói và khó hòa nhập. Không chỉ trong gia đình, ở trường học, T. thường xuyên bị bạn bè trêu chọc vì tính cách nhút nhát, lầm lì nên em càng cô lập, tránh giao tiếp và không tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Nỗi cô đơn kéo dài khiến T. tìm đến các diễn đàn trên mạng, nơi những người trẻ thảo luận về vấn đề căng thẳng và tự gây thương tích. Tại đây, T. biết đến hành vi rạch tay để giải tỏa tâm trạng và mua sẵn dao lam để trong phòng. Lần đầu tiên T. rạch tay vào kỳ thi lớp 8 khi bị mẹ trách mắng vì điểm kém. Cảm giác thất bại, tức giận khiến T. tìm đến hành động này như một cách giải tỏa. Ban đầu, T. chỉ tự rạch tay khi cảm xúc trở nên quá tải, nhưng dần dần, em nhận ra hành động này giúp giảm căng thẳng và mang lại cảm giác kiểm soát, điều mà em không thể tìm thấy trong cuộc sống thực. Vì thế, tần suất tự gây thương tích ngày một nhiều hơn.

Khoảng nửa năm trở lại đây, tâm trạng của T. ngày càng trở nên tồi tệ. Mỗi lần rạch tay, T. còn nghĩ đến việc rạch sâu hơn để tìm đến cái chết như một cách giải thoát. Dù những vết sẹo chằng chịt trên cánh tay khiến T. luôn phải mặc áo dài tay để che giấu nhưng em không có ý định dừng lại, vì hành động này đã trở thành một thói quen khó bỏ. Một lần, khi đang trốn trong nhà vệ sinh để tự làm tổn thương bản thân, T. bị bạn bè phát hiện và báo cho thầy, cô giáo. Nhà trường đã liên hệ với gia đình và quyết định đưa T. đến Viện Sức khỏe tâm thần.

Sau quá trình thăm khám, bác sĩ chẩn đoán T. mắc trầm cảm nặng, không có triệu chứng loạn thần kèm theo hành vi tự gây thương tích và ý tưởng tự sát. Tại Viện Sức khỏe tâm thần, T. được điều trị tích cực bằng thuốc chống trầm cảm, thuốc giải lo âu kết hợp với các liệu pháp tâm lý. Sau 30 ngày điều trị, tình trạng bệnh của T. cải thiện và hiện đang điều trị ngoại trú.

Bệnh nhân T. chỉ là một trong số những trường hợp tương tự từng điều trị tại Viện Sức khoẻ tâm thần. Chia sẻ với truyền thông, bác sĩ chuyên khoa II Ngô Văn Tuất, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Viện đã tiếp nhận từ 130 đến 140 ca trẻ tự gây thương tích. “Có những đợt, 6 - 7 em cùng nhập viện. Các cháu thường có hội nhóm, có “nhạc trưởng” hô hào và các bạn cùng thực hiện hành vi tự gây thương tích cho bản thân. Khi nhập viện, các bác sĩ phải tách các cháu ra, đặc biệt là người dẫn đầu để tránh các hành vi tiêu cực”, bác sĩ Tuất thông tin.

Theo các bác sĩ, hành vi tự gây tổn thương kèm theo rối loạn tâm lý có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở tuổi vị thành niên, đặc biệt là nữ giới. Một số dấu hiệu nhận biết, gồm: xuất hiện vết bầm tím, vết cào cấu, vết rạch trên da (đặc biệt ở mặt trong cánh tay, cẳng tay, đùi); thường xuyên mặc áo dài tay dù thời tiết nóng; dành nhiều thời gian một mình, thích ở trong không gian kín như nhà tắm; tâm trạng bất ổn, hay buồn bã, dễ cáu gắt.

Thực chất, các bệnh lý về tâm thần như rối loạn tâm lý, trầm cảm, hành vi tự gây tổn thương… đều bắt nguồn từ những phản ứng cảm xúc tự nhiên của con người như buồn bã, chán nản. Đến khi những trạng thái cảm xúc này trở nên trầm trọng, kéo dài ít nhất hai tuần và gây ảnh hưởng rõ rệt đến cuộc sống hằng ngày, chúng có thể phát triển thành bệnh lý tâm thần. Ở trẻ vị thành niên, tâm bệnh ảnh hưởng đến học tập và khả năng hòa nhập của trẻ trong xã hội. Ngoài ra, đây cũng là một trong những lý do chính dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự tử.

Nhiều người cho rằng vị thành niên là lứa tuổi vô tư, chưa phải đối mặt với những áp lực cơm áo gạo tiền như người trưởng thành nên không có lý do để rơi vào trạng thái tiêu cực. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Ở độ tuổi chưa phát triển toàn diện về mặt thể chất, các chức năng kiểm soát cảm xúc, hành vi, nhận thức và giải quyết vấn đề của trẻ vẫn còn hạn chế. Chính vì thế, những sự việc tưởng chừng nhỏ nhặt trong cuộc sống lại có thể bị phóng đại, dẫn đến cách nhìn nhận tiêu cực thay vì tìm thấy khía cạnh tích cực. Áp lực học tập, mâu thuẫn gia đình, xung đột với bạn bè hay kỳ vọng quá cao vào bản thân đều là những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần con trẻ.

Hai “mắt xích” quan trọng bảo vệ con trẻ khỏi tâm bệnh

Có thể thấy, tuổi vị thành niên là giai đoạn dễ tổn thương do đang có nhiều sự thay đổi về tâm lý, sinh lý và não bộ. Bên cạnh đó, trẻ còn dễ dàng bị chịu ảnh hưởng từ những cảm xúc thời thơ ấu hay những cảm xúc thường nhật trong cuộc sống hàng ngày. Điều này khiến không ít trẻ vị thành niên đã và đang phải vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần. Theo nghiên cứu của UNICEF Việt Nam, khoảng 8 - 29% trẻ em trong tuổi vị thành niên nước ta mắc các bệnh lý tâm thần nói chung. Ước tính có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên Việt Nam có các vấn đề về tâm lý. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.

Vị thành niên là giai đoạn dễ tổn thương do đang có nhiều sự thay đổi về tâm lý, sinh lý và não bộ. (Ảnh minh họa - Nguồn: UNICEF)

Vị thành niên là giai đoạn dễ tổn thương do đang có nhiều sự thay đổi về tâm lý, sinh lý và não bộ. (Ảnh minh họa - Nguồn: UNICEF)

Thực tế này cho thấy, các bệnh lý tâm thần ở cộng đồng nói chung và tuổi vị thành niên nói riêng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều trường hợp không được phát hiện, can thiệp kịp thời do tâm lý chủ quan của phụ huynh. Không ít bậc cha mẹ cho rằng con chỉ đang trong giai đoạn dậy thì hoặc chịu áp lực tạm thời. Một số khác thậm chí né tránh, giấu bệnh vì sợ định kiến. Chính những rào cản này khiến tình trạng các bệnh lý tâm thần ở trẻ ngày càng gia tăng và diễn biến nghiêm trọng hơn.

Trước thực trạng trên, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trở thành một vấn đề quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ. Để giảm nguy cơ tuổi vị thành niên mắc các bệnh lý tâm thần, toàn xã hội cần thay đổi nhận thức, xem sức khỏe tâm thần quan trọng như sức khỏe thể chất, cần được quan tâm, chăm sóc y tế và tư vấn kịp thời. Điều này vô cùng quan trọng bởi hầu hết các vấn đề tâm lý ở tuổi vị thành niên có thể can thiệp và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm.

Đặc biệt, gia đình và nhà trường là hai “mắt xích” quan trọng trong việc ngăn ngừa tâm bệnh quấy rầy con trẻ, bởi đây là hai môi trường gần trẻ nhất. Trong mỗi gia đình, cha mẹ cần lắng nghe, chia sẻ mọi khó khăn với con thay vì đưa ra những lời phán xét. Không nên quát mắng, xúc phạm khi con có lỗi mà nên phân tích, hướng dẫn con cách đối diện và giải quyết vấn đề một cách tích cực. Không nên đặt ra quá nhiều kỳ vọng cũng như gây thêm các áp lực về thành tích học tập.

Về phía nhà trường, giáo viên và cán bộ tư vấn tâm lý cần quan tâm hơn đến sức khỏe tâm thần của học sinh. Việc xây dựng các chương trình giáo dục tâm lý, tổ chức các buổi tư vấn, hỗ trợ tâm lý tại trường học là điều cần thiết. Đồng thời, nhà trường cần tạo ra môi trường học tập lành mạnh, bầu không khí cởi mở để học sinh có thể thoải mái chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết.

Ngoài ra, vì con trẻ thường che giấu những vấn đề khiến chúng bị tổn thương nên cha mẹ và giáo viên cần cần quan sát kỹ những biểu hiện bất thường như lời nói, hành động để kịp thời phát hiện và tháo gỡ những khó khăn tâm lý. Việc can thiệp sớm, cũng như tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế và tâm lý là vô cùng quan trọng, giúp trẻ vượt qua những khủng hoảng tinh thần, tránh dẫn đến hành vi xấu, gây hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách.

Đọc thêm