Chỉ nói riêng về việc lưu trữ và truyền hình ảnh chẩn đoán y tế, cách làm như bấy lâu nay đang là một bước cản lớn đối với người bệnh, đối với đội ngũ nhân viên y tế. Và nếu không sớm thay đổi, đội ngũ y tế Việt Nam sẽ đứng ngoài cuộc chơi của thời đại 4.0 - các chuyên gia về chẩn đoán hình, về thiết bị y tế cảnh báo.
Tại buổi Cà phê y tế lần thứ 56, với chuyên đề “Giải pháp lưu truyền hình ảnh y tế chuẩn DICOM có kèm chẩn đoán từ xa và cắt giảm chi phí hiệu quả trong in phim X quang” do hội Thiết bị Y tế Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 06/01/2018, các chuyên gia đều đánh giá rất thấp cách lưu trữ và truyền hình ảnh y tế theo cách làm bấy lâu nay.
Lưu trên “mây”, nhanh, gọn lại tiếp cận được bản gốc
Tại buổi Cà phê y tế lần này, giải pháp Dicom Digital Platform chụp kỹ thuật số,lưu trữ và truyền trên không gian mạng, được giới thiệu và được đánh giá là nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả.
Công nghệ này tương tự lĩnh vực tài liệu, hình ảnh cá nhân khi sử dụng công nghệ đám mây của Google (Drive), Yahoo! (Flickr) Hay Microsoft (OneDrive), Mediafire…
Chẳng hạn so sánh với Google Drive, người dùng có tài khoản, sẽ có thể lưu trữ hình ảnh của mình trên đó. Thích thì in ảnh ra xem; không thích thì lưu trên Drive, bất kỳ khi nào muốn xem, mở Drive ra là có (tất nhiên ngoại trừ sự cố mất điện, rớt mạng, sụp máy chủ…).
Giải pháp Dicom Digital Platform với việc lưu trữ và phân phối các hình ảnh của các thiệt bị DICOM và Non-Dicom. Phim sau khi được chụp sẽ tồn tại ở dạng ảnh kỹ thuật số và lưu trên đám mây. Bác sĩ và bệnh nhân đều có thể tiếp cận được.
Giải pháp này hay ở chỗ, khi mới chụp xong và cần hội chẩn mà bác sĩ đang ở ngoài, xa bệnh viện, bác sĩ chỉ cần mở smarphone lên và truy cập vào hệ thống là có thể xem được hình ảnh bản gốc và tham gia hội chẩn từ xa.
Trường hợp bệnh nhân sau này đi bệnh viện khác, ở bất kỳ đâu trên thế giới, nếu muốn xem phim cũ để bác sĩ nắm rõ bệnh sử thì cũng chỉ cần đăng nhập vào hệ thống là bác sĩ điều trị có thể tiếp cận được bản gốc phim cũ.
Giải pháp này, tất nhiên không phải rửa phim như giải pháp cũ. Xét trên tổng thể, bệnh nhân được tiết kiệm (vì không nhất thiết phải in phim), được tiếp cận bệnh sử tức thời; và, bệnh nhân cùng cơ sở y tế không phải tốn quá nhiều công sức để lưu trữ phim chẩn đoán hình ảnh. Tất cả những ưu điểm vượt trội này đều là sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nói cho công bằng, trên thực tế ở Việt Nam cũng có một số nơi khá tiến bộ, đã lập bệnh án điện tử nhưng rất hiếm, chẳng hạn Trung tâm y khoa MEDIC, bệnh viện Nhân dân Gia Định, Phòng khám bác sĩ gia đình trực thuộc đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tại Phòng khám bác sĩ gia đình đại học Phạm Ngọc Thạch, Pgs.Ts.Bs. Nguyễn Thanh Hiệp cho biết Phòng khám lưu trữ toàn bộ bệnh án ở dạng điện tử và lưu trên internet. Hình ảnh chẩn đoán chỉ in khi bệnh nhân có yêu cầu, còn lại bác sĩ gia đình chỉ xem trên các thiết bị kỹ thuật số. Còn lại thì hầu hết các cơ sở y tế đều xử lý hình ảnh chẩn đoán theo công nghệ cũ.
Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay có điều hơi khó. Chưa có hành lang pháp lý đồng bộ cho giải pháp tiết kiệm mà hiệu quả này. Hiện nay, Bệnh viện muốn thanh toán bảo hiểm cho công đoạn chẩn đoán hình ảnh này thì phải trình phim cho cơ quan Bảo hiểm. Việc trình phim này chỉ có tính chất làm bằng chứng kế toán. Sau khi thanh toán thì phim cũng hết tác dụng.
Bác sĩ Phan Thanh Hải cho biết “Thời buổi 4.0 thì yếu tố hội nhập rất cao, vì vậy, đội ngũ y tế Việt Nam cũng phải nâng cao chuyên môn để hội nhập quốc tế. Giờ cần dùng công nghệ để cắt giảm chi phí hình ảnh mà vẫn đảm bảo được chất lượng, nhu cầu và pháp lý. Cần chọn lựa công nghệ mà mình có thể làm được, đem lại lợi nhuận cho mình mà cũng mạng ích lợi đến cho bệnh nhân. Đây là xu hướng bắt buộc. Nếu không làm được thì bệnh nhân sẽ tìm lựa chọn khác, kể cả tìm đến bệnh viện ở Singapore, Mỹ…”, Bs Hải khẩn thiết.
Giải pháp Dicom Digital Platform có lẽ là câu trả lời thỏa đáng.