Giải pháp tức thời, mạnh mẽ để bảo vệ môi trường sống

(PLO) - Hôm nay (30/9), Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV chính thức khai mạc với những cam kết mạnh mẽ từ Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng cũng như toàn xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường.
Rác thải sinh hoạt đổ tràn ra đường giao thông
Rác thải sinh hoạt đổ tràn ra đường giao thông
“Bộ mặt” môi trường đáng báo động
Tại Việt Nam, những năm qua dù các cơ quan hữu trách đã rất cố gắng kiểm soát, đưa ra nhiều giải pháp nhưng vấn đề môi trường vẫn nhức nhối.
Báo cáo của Bộ TN&MT cho biết, hiện chỉ có khoảng 77,8% khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động và khoảng 3 – 5% cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nhiều KCN đã lấp đầy xấp xỉ 100% nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Hiện vẫn còn 44/184 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thời hạn xử lý đến ngày 31/12/2015 theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg chưa hoàn thành biện pháp xử lý triệt để (chiếm 23,91%). 
Năm 2014, 32 tỉnh có doanh nghiệp thực hiện hoạt động nhập khẩu phế liệu (với khoảng 315 doanh nghiệp). Tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất qua các cửa khẩu vào thị trường nội địa khoảng 6,88 triệu tấn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường liên quan đến kho bãi lưu chứa phế liệu, thu gom, lưu giữ và xử lý nước thải, khí thải, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại...
Ước tính mỗi năm tại khu vực nông thôn ở nước ta phát sinh khoảng 7 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 14.000 tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại, 76 triệu tấn rơm rạ và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi (chưa kể một khối lượng lớn chất thải sản xuất từ các làng nghề) trong khi tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt chỉ vào khoảng 40 – 50%. 
Đến hết năm 2014, cả nước có tới 5.096 làng nghề và làng có nghề nhưng đa số chưa xây dựng các hệ thống xử lý chất thải. Các loại khí thải, nước thải đều xả trực tiếp ra môi trường, đặc biệt là nước thải tại các làng nghề tái chế kim loại, chế biến nông sản và thủy sản… Hình thức xử lý chất thải rắn cũng chỉ bằng cách chôn lấp và đốt là chủ yếu. Kết quả khảo sát 52 làng nghề điển hình trong cả nước cho thấy 46% trong số đó có môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% ô nhiễm vừa.
Chồng chéo trách nhiệm
Có quá nhiều nguyên dân dẫn đến tình trạng ô nhiễm lan nhanh, kéo dài: Do chính người dân tự đầu độc môi trường sống của mình; các cơ quan chức năng thiếu kết hợp, trách nhiệm bị chồng chéo, trình độ hạn chế...
Ở các địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành về môi trường và cơ quan quản lý làng nghề chưa có tiếng nói chung, chưa đồng nhất quan điểm vì mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội nông thôn. Cơ quan quản lý môi trường vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, phổ biến (chưa tiến hành kiểm tra quyết liệt, xử lý triệt để); UBND cấp xã (cấp được giao trách nhiệm trực tiếp nhất trong công tác bảo vệ môi trường - BVMT làng nghề) chưa nhận thức được trách nhiệm đối với công tác BVMT. Đó là chưa kể đến nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý môi trường cấp xã  không có; nguồn lực tài chính được phân bổ hàng năm hết sức hạn hẹp, sử dụng không hiệu quả.
Chưa hết, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với làng nghề rất khó thực hiện và hầu như không có khả năng thực thi các biện pháp xử phạt; đa số các địa phương, cơ quan chức năng “né tránh” vì khó xử lý, ngại tác động đến an sinh - xã hội hoặc chỉ mới dừng ở việc hướng dẫn, nhắc nhở.
Lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN&MT) cũng chỉ ra các quy định về BVMT không khí tại đô thị quá chung chung, khó thực hiện. Các vấn đề về kiểm soát chất lượng nhiên liệu, nguồn thải, kiểm kê phát thải... đang bị bỏ trống hoặc ít được thực hiện; những quy định về chức năng, nhiệm vụ, thể chế và tổ chức quản lý môi trường không khí đô thị chưa rõ ràng. 
Biện pháp mạnh để “cứu vớt” môi trường sống
Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 4 sẽ là dịp tổng kết, đánh giá kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm trong công tác BVMT giai đoạn 2011 - 2015. Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ diễn ra Hội thảo Quản lý nhà nước về BVMT. 
Các vấn đề: Dự báo, phòng ngừa và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm và tác động xấu đến môi trường; công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT; huy động nguồn lực cho BVMT; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT… sẽ được đưa ra bàn bạc. 
Để có được môi trường sống trong lành, đảm bảo sức khỏe của cộng đồng và phục vụ quá trình phát triển kinh tế, cần những cam kết mạnh mẽ từ Bộ TN&MT và các cơ quan chức năng trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT tại các KCN, CCN; hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản; xử lý nghiêm, công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BVMT...; kiểm soát việc sử dụng hóa chất nông nghiệp; đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, thức ăn chăn nuôi…; tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể BVMT làng nghề; kiểm soát có hiệu quả nguồn thải của các phương tiện giao thông; nghiên cứu, xây dựng Chương trình quốc gia về đầu tư, xử lý nước thải; tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn và Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế đã được ban hành; đẩy nhanh tiến độ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi các đô thị, khu dân cư tập trung; kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu, máy móc, trang thiết bị, hàng hóa,... triển khai đầy đủ các nội dung của Công ước Basel về kiểm soát chất thải xuyên biên giới và việc tiêu hủy chúng.
Hy vọng tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV, các cơ quan có trách nhiệm sẽ nhận thức đúng đắn hơn, quyết liệt hơn về công tác BVMT, từ đó có những quyết sách BVMT một cách hiệu quả./.

Đọc thêm