Giải phóng nguồn điện năng lượng tái tạo

(PLVN) - Sau kinh nghiệm lần thứ nhất “chạy” hòa lưới điện mặt trời (trước tháng 7/2019), Tập đoàn điện lực Việt Nam đã sẵn sàng “chạy”… lần thứ hai khi cơ chế giá ưu đãi tiếp theo cho nguồn điện mặt trời hòa lưới sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2020.
EVN đang cố gắng “chạy” hòa lưới lần thứ 2 cho các dự án ĐMT.
EVN đang cố gắng “chạy” hòa lưới lần thứ 2 cho các dự án ĐMT.

Cơ bản giải tỏa hết nguồn điện hiện hữu

Theo số liệu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối tháng 8/2020, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời (ĐMT) đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23.000MW (ĐMT khoảng 11.200MW; điện gió khoảng 11.800MW). Số liệu cũng cho biết, tính đến nay, toàn quốc đã đưa vào vận hành 102 dự án ĐMT với tổng công suất 6.314MWp (tương đương 5.245MW).

Trong đó chỉ riêng trong Quý II/2019 có gần 90 dự án ĐMT với tổng công suất khoảng 4.000 MWp được đưa vào vận hành. Đây là khối lượng công việc kỷ lục trong quá trình phát triển của ngành điện Việt Nam và số lượng nhà máy được đưa vào vận hành cũng là kỷ lục từ trước đến nay.

Đại diện EVN cho biết, để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư (CĐT) ĐMT hoà lưới, kịp thời hưởng cơ chế ưu đãi của Chính phủ, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường tối đa nhân lực, kể cả làm thêm ngoài giờ và các ngày nghỉ lễ, cuối tuần để kịp thời hỗ trợ tối đa các CĐT công tác đấu nối lưới điện, kết nối hệ thống SCADA, thử nghiệm tấm pin và toàn hệ thống ĐMT của các CĐT. 

Tuy nhiên, do các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) được đưa vào vận hành đồng loạt trong một thời gian rất ngắn và tập trung mật độ lớn tại các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận nên xuất hiện tình trạng quá tải cục bộ lưới điện vào thời điểm các dự án ĐMT phát công suất cao đồng thời, xảy ra hiện tượng quá tải tại khu vực này.

Để khắc phục tình trạng quá tải lưới điện khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, EVN cùng các đơn vị thành viên tập trung mọi nguồn lực và thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đầu tư xây dựng để đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT. 

Theo đó, thời gian qua các đơn vị đã đưa vào vận hành 21 công trình lưới điện từ 110kV đến 500kV phục vụ giải tỏa các nguồn điện NLTT với tổng chiều dài đường dây trên 750km và các trạm biến áp tổng dung lượng 5.025MVA, trong đó đã hoàn thành vượt tiến độ một số công trình trọng điểm, như: nâng công suất các trạm 500kV Vĩnh Tân, Di Linh; nâng công suất các trạm 220 kV Tháp Chàm, Hàm Tân; hoàn thành đưa vào vận hành các trạm 220 kV mới như Ninh Phước, Phan Rí; đầu tư mới và cải tạo nâng cấp các tuyến đường dây 110kV trong khu vực...

Đại diện EVN cũng cho biết, mặc dù công tác đầu tư xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực của EVN và các đơn vị cùng sự ủng hộ, hỗ trợ của các Bộ ngành, địa phương, đến nay hạ tầng lưới điện truyền tải đã cơ bản đáp ứng giải toả hết công suất của 113 dự án ĐMT, điện gió đã đưa vào vận hành với tổng công suất trên 5.700MW (bao gồm cả các dự án vận hành trước 30/6/2019 và các dự án mới được đưa vào vận hành trong năm 2020).

Chuẩn bị cho cuộc “chạy” hòa lưới cuối năm 2020

Hiện nay còn nhiều dự án nguồn điện NLTT đã được bổ sung quy hoạch với tổng công suất hơn 17.000 MW. Trong đó có nhiều dự án đang được các CĐT gấp rút triển khai để được hưởng cơ chế giá điện ưu đãi áp dụng, đặc biệt là thời hạn 31/12/2020 (theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg) cho các dự án ĐMT.

Còn nhớ, vào thời điểm trước 30/6/2019 (thời hạn chấm dứt cơ chế giá ưu đãi đầu tiên cho ĐMT hòa lưới quốc gia), EVN đã huy động tối đa nhân lực, bao gồm cả hình thức huy động lại những cán bộ đã nghỉ hưu theo chế độ, làm việc 24/24 giờ qua mọi hình thức để có thể hoàn thành hòa lưới điện cho các nhà máy ĐMT đã hoàn thiện, để các CĐT được mua điện với mức giá ưu đãi tốt nhất. 

Với kinh nghiệm của lần “chạy” hòa lưới tháng 6/2019, EVN đã chuẩn bị cho một cuộc… “chạy” hòa lưới tiếp theo vào cuối năm nay. Theo đại diện EVN, để đáp ứng giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT tới đây, EVN đã khẩn trương báo cáo các cấp có thẩm quyền để đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện truyền tải có liên quan tại các khu vực.

Nhưng việc đầu tư xây dựng các công trình lưới điện mới này sẽ khó đáp ứng tiến độ đồng bộ với các công trình điện gió, ĐMT, đặc biệt với trường hợp các CĐT cố gắng đưa vào vận hành thương mại để được hưởng cơ chế giá điện ưu đãi hiện hành. 

Dù thế, đại diện EVN vẫn khẳng định, luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các nguồn điện gió, ĐMT vào vận hành trong thời gian tới đồng thời các thông tin về khả năng vận hành, giải tỏa công suất lưới điện khu vực luôn được EVN chủ động cung cấp tới các chủ đầu tư nguồn điện NLTT, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình đàm phán, thương thảo về thỏa thuận đấu nối và hợp đồng mua bán điện.

Đọc thêm