Giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế: Khẳng định uy tín, hình ảnh đất nước

(PLO) - Vụ kiện đầu tư quốc tế đầu tiên mà Việt Nam giành thắng lợi tuyệt đối theo Phán quyết của Hội đồng Trọng tài quốc tế được coi như “chiến thắng trận đầu” của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Ông Nguyễn Khánh Ngọc
Ông Nguyễn Khánh Ngọc
Phóng viên Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Khánh Ngọc -Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp về một nhiệm vụ còn khá mới mẻ mà Bộ Tư pháp được Chính phủ giao chủ trì. 
Được biết mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về việc ban hành Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, xin ông cho biết Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ gì khi triển khai Quyết định này? 
- Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên đưa ra  một quy trình phối hợp, xử lý một vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế. Quyết định 04 quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan từ khi có những khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài cho đến giai đoạn tố tụng. 
Đặc biệt, Quyết định 04 của Thủ tướng Chính phủ cũng nói rõ những công việc cần thực hiện kể cả sau khi  có phán quyết, quyết định của cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế, nước ngoài để một vụ việc có một cơ quan chủ trì theo từ đầu đến cuối, có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành từ đầu đến cuối, bảo đảm tối đa quyền lợi của đất nước. 
Theo Quyết định này thì vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp đã được khẳng định rất rõ. Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ là đại diện pháp lý cho Chính phủ trong tất cả các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế và là cơ quan chủ trì giải quyết tranh chấp khi nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Chính phủ theo các điều ước quốc tế về đầu tư. 
Được giao là cơ quan chủ trì giải quyết nhiều vụ tranh chấp đầu tư quốc tế phát sinh khi nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam là một vinh dự nhưng cũng là một nhiệm vụ khó khăn, xin ông cho biết Bộ Tư pháp đã và đang đón nhận nhiệm vụ mới này như thế nào? 
- Đây đúng là nhiệm vụ mới và rất khó khăn vì các vấn đề tranh chấp khi đã đưa ra quốc tế thường là phức tạp, liên quan đến pháp luật trong nước, pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế. Bên cạnh đó là việc phải đối đầu với các luật sư giỏi quốc tế, việc phải thích nghi làm việc với quy trình thủ tục tố tụng chặt chẽ, nhất là thời hạn… là những thách thức không nhỏ. Trong khi đó, phía Việt Nam còn có những hạn chế nhất định, nhất là yếu tố con người. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đón nhận nhiệm vụ này với một tinh thần rất trách nhiệm, coi đây là vinh dự và cơ hội để khẳng định vai trò của mình trong trận chiến pháp lý. Lãnh đạo Bộ đã sát sao chỉ đạo triển khai, bản thân Vụ Pháp luật Quốc tế là đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ này cũng có kế hoạch cụ thể để có thể triển khai hiệu quả nhất các công việc được giao. 
Tôi cũng muốn nói thêm là Quyết định 04 là một phần công việc của Đề án Tổng thể giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài  đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 680/QĐ-TTg ngày 3/5/2013. Tại Đề án Tổng thể này, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành để làm sao chúng ta có thể giải quyết các tranh chấp giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả, tổng thể, triệt để nhất, bảo vệ tối đa các quyền lợi  của Chính phủ. 
Hiện số lượng các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế mà Chính phủ Việt Nam phải tham gia có nhiều không, thưa ông? 
-Hiện Vụ Pháp luật quốc tế đang được giao chủ trì giải quyết một số vụ việc ở các mức độ khác nhau của quy trình xử lý. Có những vụ kéo dài 2 – 3 năm. 
Tại sao thời gian gần đây lại phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế như thế, thưa ông? 
- Điều này cũng dễ hiểu vì khi kinh tế thế giới gặp khủng hoảng, có những biến động bất lợi thì các nhà đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong làm ăn, kinh doanh, cộng với thực tiễn phát triển của đất nước thì có khi có những sự chưa đồng thuận giữa bên Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước với các nhà đầu tư nước ngoài trong giải quyết các vấn đề cụ thể, dẫn đến những bất đồng, tranh chấp. 
Quan điểm của Chính phủ Việt Nam khi giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế như thế nào, thưa ông? 
- Chủ trương của chúng ta là không muốn có tranh chấp, cố gắng cùng nhà đầu tư giải quyết các vấn đề của nhà đầu tư nước ngoài làm ăn tại Việt Nam một cách ổn thỏa trên cơ sở luật pháp và các cam kết quốc tế liên quan. Chính sách cũng như pháp luật của Việt Nam đều hướng tới việc đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, coi họ như là một phần quan trọng của nền kinh tế. Nhiều vụ việc cũng đã được hòa giải, giải tỏa được lo ngại cho các nhà đầu tư. 
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không hòa giải được,  nhất là khi nhà đầu tư nước ngoài không có thiện chí. Trong trường hợp như vậy thì bất đắc dĩ Chính phủ phải tham gia vào vụ kiện. 
Ngay sau khi được giao nhiệm vụ là đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế, Bộ Tư pháp cũng đón nhận tin vui từ việc Chính phủ Việt Nam đã giành thắng lợi trong vụ kiện liên quan đến Dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại tỉnh Bình Thuận. Đây thực sự là một mở đầu thuận lợi, thưa ông? 
- Chiến thắng của vụ kiện liên quan đến Dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại tỉnh Bình Thuận năm 2013 là một kết quả rất đánh khích lệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay một số nhà đầu tư vì khó khăn trong làm ăn hay vì lý do của riêng mình có ý định khởi kiện Chính phủ Việt Nam. Kết quả xét xử vụ kiện này là một lời cảnh tỉnh đối với những nhà đầu tư này. Thông điệp mà tôi muốn gửi tới các nhà đầu tư là: Chính phủ Việt Nam không muốn có tranh chấp, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, ở đó có sự hài hòa quyền lợi của nhà đầu tư và của Chính phủ Việt Nam để tất cả cùng phát triển. Chính phủ cũng tính đến tình huống không mong muốn là tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi có những nhà đầu tư không hiểu thông điệp này hoặc cố tình thúc đẩy vấn đề tranh chấp vì động cơ, mục đích riêng. 
Sau khi thua kiện, ông Michael McKenzie - chủ Dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork có “tâm phục, khẩu phục” không và việc giải quyết các công việc tiếp theo “hậu” vụ kiện được tiến hành như thế nào, thưa ông? 
- Đây là một vụ kiện có kết quả mà Chính phủ Việt Nam đã giành thắng lợi một cách tuyệt đối. Quyết định của Hội đồng Trọng tài là chung thẩm và các bên phải thực hiện. Theo phán quyết này thì Chính phủ Việt Nam không những không phải trả khoản tiền bồi thường cho nhà đầu tư mà còn được hoàn trả tất cả các chi phí tham gia tố tụng, kể cả chi phí thuê luật sư. Hiện Bộ Tư pháp đang cùng với các Bộ, ngành liên quan tiến hành thủ tục công nhận Phán quyết của Hội đồng Trọng tài quốc tế để thi hành Phán quyết đó tại Việt Nam và các nước mà ông Michael McKenzie có tài sản. 
Tất nhiên đối với một nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư “đích thực” như ông Michael McKenzie thì việc thu hồi khoản tiền mà Phán quyết của Hội đồng Trọng tài quốc tế đã tuyên cho Chính phủ Việt Nam cũng là một thách thức. 
Điều này đặt ra vấn đề gì đối với việc quản lý các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thưa ông? 
- Vấn đề đặt ra ở đây lớn hơn các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp tại Quyết định 04 nêu trên. Đó là việc “sàng lọc” hay lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài như thế nào để Việt Nam chấp nhận đúng nhà đầu tư thực sự có tiềm năng, có thế mạnh về tài chính, công nghệ hay các điều kiện khác để thực hiện thành công dự án đầu tư sau khi được cấp phép. Một dự án lớn nhưng nhà đầu tư không có tiền hoặc là toàn tiền đi vay ở đâu đó thì cuối cùng chúng ta có thắng kiện cũng khó có thể thu hồi chi phí tham gia tố tụng mà chúng ta phải bỏ ra. Đơn giản là họ không có gì. Điều này đặt ra những vấn đề mà các Bộ, ngành và địa phương cần giải quyết trong “cuộc chơi” thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều yếu tố pháp lý đi kèm trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chúng ta mở  cửa, chúng ta “trải thảm” cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng chúng ta phải sàng lọc. Đã đến lúc chúng ta cần một “bộ lọc” tinh vi, hiệu quả để chọn được nhà đầu tư đích thực, thay vì số lượng.
Có nghĩa là chưa biết đến lúc nào Chính phủ Việt Nam mới thu hồi được khoản tiền từ ông Michael McKenzie  theo Phán quyết của Hội đồng Trọng tài quốc tế? 
- Đối với vụ việc này,  hiện nay Bộ Tư pháp đang làm thủ tục công nhận và cho thi hành Phán quyết Trọng tài đó tại Việt Nam và khả năng tại các nước khác mà ông Michael McKezie có tài sản. Tại Việt nam thì Dự án South Fork vẫn nằm ở tỉnh Bình Thuận, chúng ta đang tiến hành các bước để thi hành phán quyết trọng tài đối với Dự án, kể cả những gì mà nhà đầu tư đã đầu tư vào Dự án để thanh toán khoản tiền Hội đồng Trọng tài đã tuyên cho Chính phủ Việt Nam. Nhiều khả năng là chúng ta không thu hồi được nhiều vì đất là của chúng ta và nhà đầu tư chưa đầu tư gì đáng kể tại đó. Tuy nhiên, điều quan trọng là thắng lợi trong những vụ việc tranh chấp như thế này khẳng định được hình ảnh, khẳng định được sự đúng đắn của Chính phủ Việt Nam trong  cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là cái lớn hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra. 
Được biết, chi phí mà Chính phủ phải bỏ ra cho những vụ kiện như thế này rất lớn, chúng ta có giải pháp gì về lâu dài cho vấn đề này không, thưa ông? 
- Trong tranh chấp đầu tư quốc tế thì vấn đề không chỉ là uy tín, hình ảnh của đất nước mà chi  phí bỏ ra để tham gia giải quyết cũng  rất lớn, trong đó có chi phí thuê luật sư và chi phí cho Hội đồng Trọng tài mỗi vụ kiện có khi cả triệu đô la Mỹ. Đất nước ta còn nghèo nên đây là số tiền rất lớn. Bên cạnh đó, nếu chúng ta cứ phải thuê luật sư nước ngoài, phụ thuộc nhiều vào luật sư nước ngoài thì cũng không phải cách làm hay xét từ nhiều góc độ. Đây là mảng công tác cần có cách tiếp cận mới để từng bước xây dựng đội ngũ chuyên gia pháp luật “made in Vietnam” đủ năng lực và trình độ tranh tụng quốc tế. 
Tôi cho rằng mảng này có thể tạm gọi là “nuôi gà chọi”, cần đầu tư lớn, nhưng một năm có thể người ta chỉ đấu một trận thôi, chứ không thể bắt người ta đấu hàng ngày được. Ngay lập tức chúng ta chưa làm được tất cả, nhưng với những kinh nghiệm tích lũy qua từng vụ việc và sự thông minh, chịu khó học hỏi  của các luật sư Việt Nam, nếu chúng ta có hướng đúng và quyết tâm thì sẽ thành công trong xây dựng đội ngũ chuyên gia pháp luật này. Bộ Tư pháp đang phối hợp cùng các Bộ, ngành và địa phương triển khai một loạt các nhiệm vụ theo Đề án Tổng thể giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 680/QĐ-TTg ngày 3/5/2013.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm