Phát biểu tại lớp tập huấn, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới cho đến nay, Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Cùng với quá trình mở cửa, đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, sinh sống; Việt Nam cũng tham gia nhiều công ước quốc tế về thương mại tự do, khuyến khích và bảo hộ đầu tư.
Tuy nhiên, ngoài mang lại những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nó cũng tạo ra những thách thức, khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong việc thực thi pháp luật, nhất là pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài. Điều này dẫn tới hiện tượng phát sinh các tranh chấp đầu tư quốc tế thời gian gần đây, trong khi đó, các cơ quan nhà nước còn lúng túng, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để xử lý các tình huống phát sinh.
Tham dự tập huấn, nhiều đại biểu khẳng định, giải quyết tranh chấp đầu tư nước ngoài luôn là thách thức mà dù thắng hay thua, thiệt hại sẽ không tránh khỏi. Đơn cử như trước đó, vào cuối năm 2014, Hội đồng Trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) đã ban hành Phán quyết vụ nhà đầu tư Pháp (DialAsie) kiện Chính phủ Việt Nam trong dự án Bệnh viện quốc tế thận và lọc thận tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, tất cả các khiếu kiện của nguyên đơn DialAsie hoàn toàn bị bác bỏ; song mỗi bên phải trả một nửa chi phí trọng tài và tự chịu các chi phí về luật sư của mình theo quy định của Quy tắc trọng tài UNCITRAL.
2 luật sư Gérard NGO và Diana Paraguacuto (có kinh nghiệm trong phối hợp và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế của các cơ quan nhà nước tại nhiều quốc gia đang phát triển- PV) qua nhiều phiên thảo luận, đã chia sẻ, việc giải quyết tranh chấp thường tốn kém với chi phí rất lớn, trong đó, chi phí thuê luật sư và chuyên gia lớn nhất, chiếm khoảng 82%. Chi phí trung bình cho trọng tài 16%, cho thư ký 2%. Song, chi phí lớn, thời gian đeo đuổi vụ kiện lâu dài không phải là thiệt hại duy nhất. Khi tranh chấp trong đầu tư quốc tế xảy ra sẽ dễ gây ấn tượng không tốt đối với nhà đầu tư nước ngoài về môi trường pháp lý không minh bạch và việc thực thi kém hiệu quả cam kết quốc tế. Đó mới là hậu quả nhãn tiền mà quốc gia tiếp nhận đầu tư có thể phải đối diện khi tranh chấp xảy ra.
Đối với Việt Nam, hệ thống pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện, không ít điểm trùng lặp, mâu thuẫn giữa luật với nhau và có những điểm chưa rõ, mơ hồ dẫn tới cách hiểu, cách giải thích khác nhau. Từ đó, thực thi, áp dụng pháp luật cũng có những điểm khác nhau. Điều này dẫn tới không thống nhất về quan điểm giữa nhà đầu tư và một bên là cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, cũng có nhà đầu tư “không thiện chí” muốn lợi dụng kẽ hở pháp luật và thông qua khởi kiện để trục lợi…
Đúc kết những nội dung phân tích, thảo luận đưa ra trong đợt tập huấn, theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, để phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế hiệu quả, các cơ quan nhà nước cần đặt việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế bắt đầu từ rất xa, từ khi đưa ra chính sách, pháp luật, ký kết các hiệp định bảo hộ đầu tư cho đến tổ chức thực hiện đúng pháp luật. Cùng với đó, các yếu tố như con người, việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, việc dành các nguồn lực cho công tác phòng ngừa và giải quyết tranh chấp cũng là một yếu tố quan trọng. “Và khi làm tốt được các yêu cầu này, sẽ tạo sự sẵn sàng cho tình huống phải tham gia vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế để bảo vệ quyền lợi chính đáng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.