Giải quyết triệt để tình trạng chậm cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp

(PLVN) -Đẩy mạnh việc thực hiện các Quy chế phối hợp, nâng cao trách nhiệm của từng ngành, đầu tư cho cơ sở vật chất, con người…là các vấn đề được đặt ra để giải quyết triệt để tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp (LLTP)
Giải quyết triệt để tình trạng chậm cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp

Nhiều địa phương đạt tỷ lệ 100% cấp phiếu đúng hạn

Năm 2021, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật LLTP; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Quy chế một cửa liên thông trong cấp Phiếu lý lịch tư pháp và giấy phép lao động cho người nước ngoài. Hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu LLTP được quan tâm, chú trọng; hệ thống Phần mềm hỗ trợ tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP tại Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp tiếp tục được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu cấp Phiếu của các cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Việc giải quyết các yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp ngày được được thực hiện kịp thời hơn. Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp đã cấp được tổng số 555.370 phiếu LLTP (giảm 19,1% so với năm 2020), trong đó có 356.838 Phiếu số 1 và 198.532 Phiếu số 2. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an và Công an các tỉnh/thành phố tra cứu, xác minh 475.990 trường hợp cho các Sở Tư pháp cấp Phiếu.

Hiện nay, Luật LLTP năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định cơ bản đầy đủ về cơ chế phối hợp, làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền, thời hạn trao đổi, cung cấp, tra cứu và xác minh thông tin LLTP giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP và các cơ quan có liên quan như Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Công an, thi hành án dân sự, cơ quan có liên quan thuộc Bộ Quốc phòng... để xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp Phiếu LLTP. Pháp luật về lý lịch tư pháp (LLTP) đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và thời hạn cấp Phiếu LLTP nói chung và trong trường hợp phải xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích nói riêng.

Đặc biệt, tại Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật LLTP và Thông tư liên tịch số 04/2010/TTLTP-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP đã quy định cụ thể về cơ chế phối hợp và trách nhiệm của mỗi Ngành (Tư pháp,

Công an, Tòa án, Viện kiểm sát) ở Trung ương và địa phương trong phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP. Hơn nữa, để bảo đảm kết quả cấp Phiếu LLTP chính xác, bảo đảm thời hạn cấp Phiếu LLTP theo quy định của pháp luật, Trung tâm LLTP quốc gia, Bộ Tư pháp và Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an đã xây dựng, ban hành và triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 ngày 29/6/2018 phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP. Qua đó, cơ bản khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong công tác cấp Phiếu LLTP, bảo đảm thời hạn cấp Phiếu LLTP, nhiều địa phương đã bảo đảm 100% thời hạn cấp Phiếu LLTP đúng và sớm thời hạn.

Quy chế phối hợp số 02 đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của Trung tâm LLTP quốc gia, cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ, Sở Tư pháp cũng như quy trình phối hợp tra cứu, xác minh thông tin. Do đó, để Phiếu LLTP cấp ra với kết quả chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, đề nghị Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Trung tâm LLTP quốc gia trong quá trình tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP theo Quy chế phối hợp số 02 nêu trên.

Sẽ có quy trình riêng đối với cá nhân thực hiện thủ tục đương nhiên được xóa án tích

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhìn nhận: tình trạng chậm cấp phiếu LLTP vẫn còn, nhiều cơ quan không còn lưu giữ đầy đủ thông tin. Chưa có giải pháp kết nối Phần mềm dùng chung với Phần mềm tra cứu, xác minh thông tin LLTP.

Đặc biệt, còn nhiều khó khăn, vướng mắc xuất phát từ nhiều nguyên nhân như đương sự đã cư trú tại nhiều nơi; do sự chia tách, sát nhập của các cơ quan đã từng lưu trữ, quản lý thông tin; do án tích có trước ngày 01/7/2010 ( ngày Luật LLTP có hiệu lực), đặc biệt nhiều trường hợp bị kết án từ rất lâu (có án tích từ 20, 30 năm); nhận thức của một số ít cơ quan về công tác này chưa đúng mức… Do đó, công tác phối hợp tra cứu, xác minh, cung cấp thông tin còn chậm trễ, chất lượng chưa bảo đảm, kéo dài thời hạn cấp Phiếu LLTP, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của công dân cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu về cải cách hành chính.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin về án tích, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức cuộc họp liên ngành để tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để chỉ đạo các cơ quan liên quan thuộc Bộ, ngành mình triển khai nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật về LLTP, đồng thời cũng nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về LLTP thời gian tới.

Về phía địa phương, Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo đối với cơ quan Công an và đề nghị cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát tại địa phương thực hiện tốt hơn nữa các quy định của pháp luật về LLTP, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho Sở Tư pháp để phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp Phiếu LLTP.

Để hạn chế số lượng hồ sơ trễ hạn, hiện nay, Bộ Tư pháp cho biết đang nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp, trong đó dự kiến đề xuất bổ sung thêm quy trình, thủ tục riêng đối với những trường hợp cá nhân muốn được thực hiện các thủ tục để đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích, bảo đảm thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Bên cạnh đó, để việc triển khai đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến đáp ứng mức độ 4 dịch vụ công trực tuyến một cách toàn diện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố sớm hoàn thành các giải pháp kỹ thuật để cung cấp dịch vụ công trực tuyến về cấp Phiếu LLTP trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh/thành phố theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP (theo hướng dẫn tại Công văn số 2636/BTP-CNTT ngày 21/7/2020 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn triển khai tích hợp một số dịch vụ công của Ngành Tư pháp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia).

Nhận thức được vai trò của công nghệ thông tin trong công tác LLTP, từ năm 2012, Bộ Tư pháp đã thực hiện triển khai Phần mềm Quản lý LLTP dùng chung cho các Sở Tư pháp và Trung tâm LLTP quốc gia. Cho đến nay, Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp đã sử dụng các phần mềm nói trên phục vụ hoạt động xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu và cấp Phiếu LLTP, từ năm 2015 đến nay, Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp đã thực hiện trao đổi thông tin LLTP điện tử. Việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu của công tác LLTP. Bên cạnh đó, Trung tâm LLTP quốc gia, Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp cũng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin khác vào hoạt động xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP và giải quyết tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu LLTP trên phạm vi toàn quốc, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác LLTP, hiện nay, Bộ Tư pháp đang giao cho Trung tâm LLTP quốc gia nghiên cứu xây dựng, thử nghiệm Phần mềm tự động hóa xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP. Phần mềm này cơ bản sẽ tự động hóa toàn bộ hầu hết các nghiệp vụ về xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP, việc tiếp nhận các thông tin vào cơ sở dữ liệu được nhanh chóng, chính xác. Các cán bộ làm công tác LLTP không phải thực hiện nhiều thao tác, nhập thông tin thủ công và mất nhiều thời gian để xử lý các nghiệp vụ về LLTP như hiện nay và giải quyết triệt để việc tồn đọng thông tin LLTP. Phần mềm đang được thử nghiệm tại Trung tâm LLTP quốc gia, Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh.

Theo quy định của pháp luật về LLTP, thời gian tra cứu, xác minh thông tin tại cơ quan Công an là 07-09 ngày làm việc. Hiện nay, việc tra cứu cứu thông tin LLTP tại Cơ sở dữ liệu của ngành Công an đang được thực hiện theo Quy chế phối hợp số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53, theo đó, cơ quan Công an có trách nhiệm trả kết quả tra cứu, xác minh cho Trung tâm LLTP quốc gia là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị tra cứu. Thời hạn này đã bảo đảm trong phạm vi thời hạn cấp Phiếu LLTP theo quy định của Luật LLTP. Qua thực tiễn triển khai cho thấy từ khi thực hiện Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53, đã có 98% trường hợp được trả đúng và trước thời hạn. Một số trường hợp đặc biệt chậm thời hạn chủ yếu là những trường hợp cá nhân từng có án tích nhưng không rõ thông tin, án tích tại nhiều địa phương khác nhau hoặc án tích từ nhiều năm trước, việc tra cứu, xác minh thông tin phức tạp, khó khăn.

Đọc thêm