Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật

(PLVN) - Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cùng nhiều đại biểu nhấn mạnh tại cuộc họp Ban soạn thảo dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi) diễn ra ngày 6/1. Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cùng dự và chủ trì cuộc họp.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại cuộc họp.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại cuộc họp.

6 vấn đề đột phá về quy trình xây dựng pháp luật

Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức cho biết: Bố cục của dự thảo Luật gồm 8 chương, 84 điều (giảm 9 chương, 89 điều) so với Luật Ban hành VBQPPL năm 2015.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, tinh thần ý kiến kết luận của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật ở nước ta đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, dự thảo Luật cụ thể hóa 03 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức báo cáo tại cuộc họp.

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức báo cáo tại cuộc họp.

6 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật tại dự thảo Luật bao gồm: Đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy, hoàn thiện quy định về ủy quyền lập pháp; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL; đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL; cơ chế thu hút rộng rãi sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào quá trình xây dựng pháp luật; giải thích áp dụng VBQPPL.

Cho ý kiến tại cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương đề nghị sửa đổi khoản 1, Điều 58 dự thảo Luật thành “Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Thông tư để quy định chuẩn mực, quy trình, hồ sơ kiểm toán và những vấn đề được Luật Kiểm toán và luật khác có liên quan giao”. Đồng thời không luật hóa những nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ và của Bộ, ngành mà chỉ quy định chi tiết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Về vấn đề xin ý kiến cấp ủy, cần nghiên cứu làm rõ cơ quan chủ trì soạn thảo, ban hành VBQPPL xin ý kiến hay cơ quan trình phải xin ý kiến.

TS. Dương Thị Thanh Mai góp ý.

TS. Dương Thị Thanh Mai góp ý.

Phát biểu tại cuộc họp, TS. Dương Thị Thanh Mai cho rằng dự thảo Luật hiện chưa rõ vấn đề ủy quyền lập pháp. TS.Thanh Mai đề xuất đối với vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện ban hành văn bản của Quốc hội thì có thể ủy quyền cho Chính phủ hoặc cơ quan khác ban hành. Theo đó, phải có Quyết định ủy quyền nêu rõ phạm vi, mục đích, thời gian ủy quyền. Trong quá trình thực hiện, cơ quan ủy quyền phải thực hiện đúng các nội dung, có báo cáo cho cơ quan ủy quyền.

Đổi mới theo hướng ngắn gọn, linh hoạt, rõ trách nhiệm

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định nguồn sáng kiến chính sách ở nước ta hiện nay còn hạn chế, chủ yếu từ cơ quan hành chính nhà nước, thiếu sáng kiến từ phía người dân, doanh nghiệp. Do vậy nên có quy định để khuyến khích vấn đề này. Cũng theo ông Tuấn, hiện nay một số ngành bắt đầu có nhu cầu cơ chế thí điểm chính sách nên dự thảo Luật nghiên cứu cơ chế giao quyền cho bộ, ngành, địa phương về nội dung này.

Nhận định Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 là điểm sáng về tính công khai, minh bạch trong đánh giá tác động chính sách, soạn thảo, xây dựng VBQPPL, đây chính là giải pháp quan trọng để chống cài cắm lợi ích trong xây dựng pháp luật. Dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) hiện nay cũng đi theo hướng này nhưng ông Tuấn cho rằng còn thiếu các giải pháp kỹ thuật để tăng cường tính công khai, minh bạch.

Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nêu rõ: Xây dựng chính sách là công đoạn tiền đề để quy phạm hóa chính sách và xây dựng luật, do vậy sáng kiến chính sách phải gắn với chủ thể trình luật. Thí điểm chính sách về lĩnh vực nào vẫn phải gắn với nội dung lĩnh vực đó, như vậy lại liên quan hình thức và thẩm quyền ban hành văn bản của chủ thể đó.

Bộ trưởng cũng khẳng định về sự tăng cường tính công khai, minh bạch tại dự thảo Luật thông qua việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo, ví dụ như Vụ trưởng. Luật sửa đổi lần này cũng quy định rõ việc phải đánh giá tác động chính sách thực chất, không thể bỏ qua ý kiến các đối tượng như Mặt trận Tổ quốc, cơ quan nhà nước liên quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân là đối tượng chịu tác động. Đối với từng nhóm thì hình thức lấy ý kiến khác nhau và phải có giải trình rõ ràng.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh kết luận cuộc họp.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh kết luận cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã góp ý cụ thể về nội dung của dự thảo Luật. Sau khi nghe các ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật tiếp thu tối đa các ý kiến, nghiên cứu chỉnh sửa dự thảo Luật đảm bảo kịp tiến độ.

Đối với dự thảo Tờ trình, Bộ trưởng đề nghị rà soát, bổ sung đầy đủ cơ sở pháp lý, lưu ý các Nghị quyết của Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật. Cơ sở thực tiễn cần ngắn gọn hơn, bám sát Kết luận 108 của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp; phần tồn tại, hạn chế cần logic với những giải pháp đề ra.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý về một số nội dung: việc xây dựng Chương trình pháp luật cần đảm bảo tính đơn giản, linh hoạt, ngắn gọn; tăng cường tính công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, không để lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật; làm rõ việc đổi mới quy trình xây dựng pháp luật giảm thiểu được thời gian ra sao; vấn đề ủy quyền lập pháp; quy trình, thủ tục soạn thảo rút gọn; ban hành VBQPPL quy định chi tiết; vấn đề phân cấp; thẩm quyền giải thích áp dụng pháp luật…

Một số hình ảnh các đại biểu góp ý tại cuộc họp:

Đọc thêm