Báo cáo tại cuộc làm việc này, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, từ đầu năm đến nay, Tổng cục đã triển khai nhiều chuyên đề liên quan đến các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, đồng hồ, quần áo, sách lậu… tại một số thành phố lớn như TP HCM, Khánh Hoà, Sóc Trăng, Đà Năng, Hà Nội, Quảng Ninh…
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhưng những kết quả đó còn nhỏ so với yêu cầu của thị trường mà nguyên nhân chủ yếu đến từ khó khăn nội tại của công tác chống hàng giả. Công tác này đòi hỏi cao về chuyên môn, nghiệp vụ cộng với sự tích cực hợp tác từ chủ doanh nghiệp (DN).
“Nhiều DN rất chủ động phối hợp với lực lượng QLTT đặc biệt là DN nước ngoài, khi phát hiện hàng hóa bị làm giả thì sẽ ngay lập tức báo lại cho các cơ quan chức năng nhờ vào cuộc kiểm tra xử lý. Trong khi đó, DN trong nước lại có tâm lý e ngại đề cập đến vấn đề này” - ông Linh dẫn chứng.
Cùng với đó, lực lượng QLTT chưa xây dựng được hệ thống cơ sở báo tin dày dặn và chuyên nghiệp. Đặc biệt, do tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng và nhận thức chưa đầy đủ của DN trong nước nên công tác này càng khó khăn hơn.
Trước những kết quả đã đạt được sau hơn một năm hoạt động, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã biểu dương những kết quả tích cực của lực lượng QLTT dù bộ máy tổ chức chưa được kiện toàn.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục cần phát huy tích cực tinh thần đó. Tổng cục cần cụ thể hoá việc phối hợp ngang và phối hợp dọc với các đơn vị chức năng cũng như địa phương. Các yêu cầu phải được cụ thể hoá bằng các mục tiêu và đánh giá cụ thể.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu Tổng cục QLTT cần đổi mới cách thức, phương thức QLTT, tập trung đánh vào những tổ chức đã thành hệ thống, chọn những khâu cơ bản trong hệ thống để đánh thẳng.
Để làm được điều đó theo Bộ trưởng cần có kế hoạch tổng thể làm việc với từng đơn vị chức năng trong Ban 389, chia sẻ dữ liệu thông tin với các đơn vị như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hải quan hay Tổng cục Thuế…
Đối với công chức tại cơ sở, nếu không nắm được địa bàn thì sẵn sàng giải tán các đội tại cơ sở, lập thành các đội cơ động, chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Tổng cục để thực hiện các nhiệm vụ được giao. “Chúng ta phải tổ chức các đoàn làm việc tại địa phương; Xây dựng các đề án trực tiếp gắn với các địa bàn cụ thể” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu.
Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT cần nghiên cứu lại đặc điểm, tổ chức bộ máy, đặc thù trong lực lượng QLTT để tìm ra các sở trường, sở đoản, đưa ra những phương thức mới trong hoạt động QLTT để đảm bảo được hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu và chống gian lận thương mại cũng như nạn hàng giả.