Giám định tư pháp trong tố tụng hình sự: Sửa luật để khắc phục tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc

(PLVN) - Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp tập trung vào một số vấn đề, trong đó có việc bổ sung các quy định nhằm khắc phục tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, thực hiện giám định, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế thời gian qua.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Còn nhiều bất cập, hạn chế

Trình bày Báo cáo về việc chấp hành pháp luật về giám định trong tố tụng hình sự tại phiên làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp “Việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp tố tụng hình sự” với các cơ quan Trung ương vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, hiện nay, tổng số giám định viên trên toàn quốc là 6.154 người.

Số người giám định tư pháp theo vụ việc được lựa chọn, công bố là 1.630 người trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải… Về cơ bản, giám định viên tư pháp trong các lĩnh vực truyền thống như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đều được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ bài bản và có nhiều kinh nghiệm thực hiện giám định.

Dù vậy nhưng phần lớn đội ngũ người làm giám định tư pháp tại một số lĩnh vực còn làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chưa được các bộ, ngành chủ quản đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu về giám định chuyên ngành, chủ yếu dựa vào kiến thức chuyên môn thuần túy để vận dụng vào việc thực hiện giám định…

Nguyên nhân của các thực trạng trên được chỉ là do việc các giám định viên kiêm nhiệm chủ yếu làm công tác chuyên môn, không đủ thời gian và điều kiện tập trung vào công tác giám định, nhiều trường hợp chưa được hỗ trợ về phía cơ quan, người quản lý…

Về tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, các tồn tại, hạn chế xuất phát từ việc các giám định viên kiêm nhiệm chủ yếu làm công tác chuyên môn, không đủ thời gian và điều kiện tập trung vào công tác giám định; nhiều trường hợp có tâm lý e ngại, không muốn làm giám định vì trách nhiệm pháp lý rất cao trong khi các điều kiện để thực hiện giám định chưa đảm bảo.

Về hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chỉ ra rằng ở một số địa phương còn tồn tại tình trạng lực lượng pháp y của ngành y tế và pháp y ngành công an chưa có sự phối hợp tốt trong việc tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định pháp y.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Hiếu, là do quy định tại Điều 12 của Luật Giám định tư pháp quy định tổ chức pháp y có ở cả ngành y tế, công an và quân đội. Việc pháp luật quy định chưa hợp lý đã dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo nhất định về chức năng, nhiệm vụ giữa 2 lực lượng pháp y y tế và pháp y công an.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng chỉ ra rằng, một số lĩnh vực có nhu cầu giám định ngày càng cao như tài chính, ngân hàng… nhưng không có tổ chức giám định đầu mối chuyên trách dẫn đến trưng cầu giám định gặp khó khăn, nhất là đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Bởi lẽ, ở các lĩnh vực này, cơ quan, tổ chức quản lý chưa thực sự coi giám định tư pháp là hoạt động chuyên môn; chưa xác định đầy đủ về trách nhiệm đối với công tác giám định tư pháp, vai trò của giám định tư pháp đối với hoạt động tố tụng.

Khắc phục chậm trễ trong thực hiện giám định

Từ thực tế trên, Bộ Tư pháp đưa ra một số kiến nghị, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp, tập trung vào một số nội dung như bổ sung quy định về căn cứ, cách thức đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp để đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong việc xem xét, sử dụng kết luận giám định; bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định, quy định trách nhiệm của các bộ, ngành chuyên quản lý lĩnh vực giám định trong việc ấn định thời hạn giám định cụ thể đối với từng loại việc giám định trong quy trình, quy chuẩn giám định đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng, đặc biệt là khắc phục tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, thực hiện giám định thời gian qua, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp tán thành với nhận định cho rằng một số vụ việc giám định trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai… để phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế còn hạn chế. Theo Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, ngoài những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện đúng theo thời hạn tại Điều 208 của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì các trường hợp khác, việc thực hiện giám định thường bị kéo dài, không đáp ứng yêu cầu theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng.

Việc cử người giám định ở các bộ, ngành thường không kịp thời, làm chậm quá trình giải quyết vụ án. Thủ tục tiếp nhận trưng cầu giám định và cử cá nhân, tổ chức thực hiện giám định còn rườm rà, chậm chễ, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng, có vụ án thời gian giám định kéo dài tới 5 năm.

Chỉ ra tình trạng có nhiều vụ án “tắc” vì giám định, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Hà đề nghị sửa đổi nội dung về thời hạn giám định trong Luật. Để tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng, đặc biệt xử lý các vụ án liên quan đến tài sản, ông Hà đề nghị nghiên cứu mở rộng thêm một số lĩnh vực giám định.

Còn Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, việc giám định liên quan đến việc quyết định số phận con người; kết quả giám định nếu không chính xác thì “thủ phạm cứ nhơn nhơn, gây phẫn nộ, bức xúc dư luận”. 

Bên cạnh đó, ĐB Nghĩa cho rằng, trong lĩnh vực giám định tư pháp, tham nhũng có thể tấn công “rất dữ dội” và nếu không đào tạo bài bản, quán triệt nghiêm túc, cán bộ giám định rất dễ bị tha hóa, mua chuộc. Do vậy, ĐB Nghĩa nhấn mạnh việc sửa luật phải đảm bảo trên tinh thần vì lợi ích của xã hội, đảm bảo tính độc lập, khách quan và khoa học của giám định tư pháp. 

Đọc thêm