Giám định viên sở hữu trí tuệ là ai?

(PLO) -  Các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ hiện nay đã và đang khẳng định vai trò là yếu tố cơ bản tạo nên thương hiệu, giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp. Đáng được quan tâm như vậy nhưng trên thưc tế rất nhiều người lại không hề biết "giám định viên sở hữu trí tuệ" là gì?


Giám định viên sở hữu trí tuệ là ai?

Giám định viên sở hữu trí tuệ là người có đủ trình độ kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến nội dung cần giám định, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Giám định viên sở hữu trí tuệ có thể hoạt động độc lập hoặc hoạt động trong một tổ chức giám định sở hữu trí tuệ. Pháp luật sở hữu trí tuệ quy định chi tiết về điều kiện để trở thành giám định viên SHTT cũng như quyền, nghĩa vụ của giám định viên khi tham gia hoạt động giám định.

1. Điều kiện trở thành giám định viên SHTT

Để trở thành giám định viên sở hữu trí tuệ, người giám định phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Nghị định 105/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, căn cứ khoản 3 Điều 44 Nghị định 105/2006, Người đáp ứng đủ các điều kiện sau đây thì được công nhận và được cấp Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ:

a) Có trình độ đại học về lĩnh vực hoạt động giám định;

b) Có phẩm chất đạo đức tốt;

c) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

d) Đạt yêu cầu của kỳ kiểm tra nghiệp vụ nhằm đánh giá kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ, trình độ khoa học kỹ thuật, kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn để thực hiện giám định các nội dung liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định nội dung kiểm tra quy định tại điểm này đối với lĩnh vực được phân công quản lý; hướng dẫn, tổ chức kỳ kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nghiệp vụ làm giám định viên sở hữu trí tuệ.

2. Thẩm quyền công nhận và cấp thẻ giám định viên SHTT

Theo khoản 5 Điều 44 Nghị định 105/2006, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định thủ tục công nhận, cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ, công bố Danh sách giám định viên sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực tương ứng về quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

3. Quyền và nghĩa vụ của giám định viên SHTT

Khoản 4 Điều 44 Nghị định 105/2006 quy định giám định viên sở hữu trí tuệ có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định; thực hiện giám định theo đúng nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, thời hạn giám định; trong trường hợp cần phải có thêm thời gian để thực hiện giám định thì phải thông báo kịp thời cho người trưng cầu, yêu cầu giám định biết;

b) Từ chối giám định trong trường hợp đối tượng giám định, tài liệu liên quan không đủ hoặc không có giá trị để đưa ra kết luận giám định; người giám định có quyền, lợi ích liên quan đến đối tượng giám định hoặc vụ việc cần giám định hoặc có lý do khác ảnh hưởng đến tính khách quan của kết luận giám định nhưng đồng thời là người đại diện bảo vệ quyền lợi cho một trong các bên liên quan trong vụ việc cần giám định;

c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp các tài liệu, hiện vật, thông tin liên quan đến đối tượng giám định;

d) Lựa chọn phương pháp cần thiết và phù hợp để tiến hành giám định; sử dụng kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn, ý kiến chuyên gia phục vụ việc giám định;

đ) Lập hồ sơ giám định, có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan trưng cầu giám định; giải thích kết luận giám định khi có yêu cầu;

e) Bảo quản các hiện vật, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định; giữ bí mật về kết quả giám định, các thông tin, tài liệu giám định;

g) Độc lập đưa ra kết luận giám định và chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình;

h) Bồi thường thiệt hại trong trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức có liên quan;

i) Tuân theo các quy định về trình tự, thủ tục giám định và thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.

Đọc thêm