Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo về hậu COVID-19 ở trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một tỷ lệ nhất định trẻ sau khi mắc COVID-19 tồn tại kéo dài các triệu chứng như ho, đau đầu, mệt mỏi, rối loạn hành vi, mất vị giác... trong vòng 3 tháng kể từ khi bệnh khởi phát.
Hậu COVID-19 có thể gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể trẻ em (Ảnh minh hoạ)
Hậu COVID-19 có thể gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể trẻ em (Ảnh minh hoạ)

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra. Hiện chưa có con số chính xác tỷ lệ mắc hậu COVID-19 ở trẻ em. Còn ở người lớn, theo Tổ chức Y tế thế giới thì tỷ lệ mắc hậu COVID-19 là khoảng 10-20%.

Trẻ mắc COVID-19 chắc chắn sẽ mắc hậu COVID-19?

Tuy nhiên, cũng chưa có yếu tố nào giúp tiên đoán chắc chắn trẻ sẽ bị hậu COVID-19 sau khi mắc cấp tính. Một trẻ mắc COVID-19 với mức độ nhự cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu của hậu COVID. Tuy nhiên, nếu một trẻ mắc COVID-19 cấp tính nguy kịch, cần thở máy hoặc chăn sóc ở các đơn vị hồi sức tích cực, sẽ dễ mắc các triệu chứng như mệt mỏi, yếu cơ... (là những triệu chứng hay gặp ở người đã phải điều trị hồi sức).

Một số nghiên cứu cũng cho thấy trẻ béo phì, có tiền sử các bệnh dị ứng, các bệnh lý mãn tính, trẻ trên 5 tuổi có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng của hậu COVID-19 cao hơn các nhóm trẻ khác.

Tiêm vaccine là một phương pháp để phòng hậu COVID-19 ở trẻ em. Ảnh minh hoạ: BV Nhi Trung ương

Tiêm vaccine là một phương pháp để phòng hậu COVID-19 ở trẻ em. Ảnh minh hoạ: BV Nhi Trung ương

PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, hậu COVID-19 có thể gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Ở trẻ em và vị thành niên thường biểu hiện các triệu chứng nhiều nhất trên cơ quan thần kinh như mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, rối loạn vị giác, khứu giác...

Trẻ cũng có thể có các biển hiện (tâm bệnh) như tối loạn cảm xúc, kém tập trung, giảm trí nhớ, khó khăn trong học tập. Các triệu chứng hô hấp hay gặp khác là ho kéo dài, đau họng, khó thở... Ngoài ra trẻ có thể đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp, đánh trống ngực.

Riêng đối với hội chứng viêm đa nhiễm hệ thống (MIS-C) sau nhiễm COVID-19 tuy hiếm gặp nhưng là tình trạng nặng và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh được xác định sau khi đã loại trừ các bệnh lý khác (như hội chứng sốc nhiễm độc do tụ cầu, bệnh lý niêm mạc...) ở trẻ đã mắc COVID-19. Bệnh thường xuất hiện sau mắc COVID-19 khoảng 2-6 tuần với các biểu hiện thường gặp: sốt cao liên tục, rối loạn tiêu hoá, phát ban ngoài da, môi lưỡi đỏ...

Bệnh thường gây tổn thương đa cơ quan như tim, mạch máu và các cơ quan khác khiến tình trạng bệnh tiến triển nhanh cần nhập viện. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận khoảng 60-70 bệnh nhi bị hội chứng này, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 4 bệnh nhi bị MIS-C trong tuần qua.

Khi nào cần cho trẻ đi khám hậu COVID-19?

Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo các gia đình cho trẻ đi khám hậu COVID-19 khi có những triệu chứng trên hoặc thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu/triệu chứng nào mà trước khi mắc COVID-19 trẻ không có. Ngoài ra, dù trẻ không có triệu chứng nghi ngờ của hậu COVID-19 thì cha mẹ cũng có thể đưa trẻ đi khám vào khoảng 4-12 tuần sau khi mắc COVID-19.

"Bài/phương thuốc chữa hậu COVID-19 đều không có giá trị. Gia đình chỉ cần chăm sóc con như trước khi mắc COVID-19, tập trung điều trị triệu chứng, đi khám để được tư vấn khi cần điều trị", PGS.TS Trần Minh Điển.

PGS.TS Trần Minh Điển cũng lưu ý, "không cần thiết phải mua Gói khám hậu COVID-19 vì lãng phí, không cần thiết, dễ gây tâm lý ám ảnh cho trẻ khi phải thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra. Chỉ khám chuyên sâu, làm các xét nghiệm thăm dò cần thiết khi có biểu hiện triệu chứng".

Mặc dù kiến thức về hậu COVID-19 đến nay chưa đầy đủ nhưng PGS.TS Trần Minh Điển khuyến cáo, hậu COVID-19 chỉ là hiện tượng tạm thời, sẽ tự hết sau 1 thời gian, trừ một số triệu chứng nặng cần can thiệp y khoa theo chỉ định và tư vấn của bác sĩ.

Đặc biệt, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương lưu ý các bậc cha mẹ "đừng hỏi bác sĩ Google, mà cứ theo dõi con bằng cảm nhận, tuân theo tư vấn của bác sĩ khi điều trị COVID-19 và cả hậu COVID-19 cho trẻ".

PGS.TS Trần Minh Điển cũng cho rằng, các biện pháp phòng bệnh và tiêm vaccine là khi có chỉ định là phương pháp duy nhất hiện nay để giúp không xuất hiện hậu COVID-19, nhất là ở trẻ em khi chưa có bất kỳ biện pháp vật lý, thuốc hay thực phẩm nào giúp ngăn chặn việc xuất hiện hậu COVID-19.

"Khi COVID-19 được công nhận là bệnh đặc hữu và có thể tiêm cho trẻ 3-5 tuổi sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh và hậu COVID-19", Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương khẳng định.

Đọc thêm