Ông Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức thông báo rằng mình chưa bao giờ tham gia quảng cáo cho bất kỳ sản phẩm nào.
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, ông Bình cho biết, gần đây, nhiều bạn gửi cho ông một số liên kết trên Facebook mà nội dung là các trang quảng cáo các loại thuốc, thực phẩm không rõ nguồn gốc, trong đó có lấy hình ảnh của ông ghép vào.
"Là một thầy thuốc thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, tôi không bao giờ tham gia quảng cáo cho bất cứ loại thuốc, thực phẩm chức năng, vật tư y tế... nào, của bất cứ hãng sản xuất nào", Giám đốc Bệnh viện Việt Đức khẳng định.
|
Hình ảnh giám đốc Bệnh viện Việt Đức bị sử dụng để quảng cáo thực phẩm chức năng. |
Ông Giang có đọc thử những thông tin quảng cáo trong các trang này thì thấy toàn là thông tin không được kiểm chứng, của các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và tác dụng. Do đó, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức khuyến cáo mọi người tuyệt đối không tin theo, mua, sử dụng các sản phẩm đó mà có nguy cơ nguy hiểm tính mạng.
"Việc chẩn đoán và điều trị bệnh liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người nên mọi người hãy để các thầy thuốc được đào tạo bài bản, có kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu thực hiện, đừng tra thông tin trên mạng rồi làm theo", ông Trần Bình Giang nói.
Trước đó, đã có nhiều hình ảnh thầy thuốc bị sử dụng trái phép để quảng cáo tương tự hình thức này. Có thể kể đến: bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP HCM; PGS. TS. Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương; Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm - Nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; ThS, BS Nguyễn Quang Minh - Phó Trưởng Khoa Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da Liễu Trung ương...
|
Hình ảnh của ông Nguyễn Quang Minh được dùng làm ảnh đại diện cho một thẩm mỹ viện. |
Gần đây nhất là hình ảnh bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP HCM bị sử dụng trái phép để quảng cáo thuốc. Kết quả là một số người dân do tin vào quảng cáo nên rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".
BS Hữu Khanh cho biết: “Thi thoảng lại thấy họ đưa hình tôi lên mạng xã hội để đăng thông tin bán thuốc gia truyền, thuốc bổ, thuốc điều trị bách bệnh. Tôi khẳng định mình không quảng cáo bán thuốc cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Người dân cần đặc biệt cảnh giác với các thông tin bán thuốc, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, không nên tin vào quảng cáo để tránh tiền mất tật mang. Khi có bệnh hãy đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị”.
Theo Khoản 1 Điều 32 Bộ Luật dân sự 2015:
Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.…”
Tại khoản 8 điều 8 Luật quảng cáo 2012 quy định về các điều cấm trong hoạt động quảng cáo: “Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.”