Giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh kể chuyện ‘thắng mưa’ trên cao tốc ngàn tỷ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Vượt nắng, thắng mưa” là cụm từ những người làm giao thông thường dùng để thể hiện sự quyết tâm đưa công trình về đích đúng tiến độ. Nhưng ở miền Trung, trên công trường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, không phải khi nào cũng dễ “thắng mưa”, do thời tiết ở đây quá khắc nghiệt.
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên công trường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã có hơn 100 ngày mưa.
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên công trường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã có hơn 100 ngày mưa.

Ông Nguyễn Vũ Quý - Giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) - cho hay, cuối tháng 10/2022 cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn phải hoàn thành để đưa vào khai thác. Do vậy, thời điểm này, chủ đầu tư và các nhà thầu trên tuyến gần như phải dốc hết nguồn lực đang có trong tay để thực hiện những cú bứt tốc cuối cùng.

“Toàn tuyến dài 98km thì chỉ còn hơn 3km cuối đang vào giai đoạn thảm bê tông nhựa. Như những giai đoạn quan trọng khác của quá trình thi công, việc thảm nhựa mặt đường đáng ngại nhất là lúc gặp trời mưa. Vì thế, anh, em giao thông chúng tôi hay nhắc nhau câu nói trong nghề “nước là kẻ thù của bê tông nhựa” để lưu ý tiêu chuẩn kỹ thuật lúc thi công”, lời ông Quý.

Tập trung cho công đoạn cuối cùng của dự án, PMU đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu đã bố trí tới 7 trạm trộn bê tông nhựa dọc tuyến để thảm mặt đường. Thế nhưng, mọi việc sẽ phải dừng lại, thậm chí bê tông nhựa (một xe trị giá hàng chục triệu đồng) đã đưa tới chân công trình cũng phải vứt bỏ khi trời bất ngờ đổ mưa.

“Mưa làm cho nhiệt độ của bê tông nhựa giảm nhanh và không thể dính bám khi lu lèn. Nước mưa sẽ khiến các khối bê tông nhựa tách ra giống như kẹo lạc - như thế vừa tốn công, tốn của, lại ảnh hưởng tới tiến độ công trình”, Giám đốc Quý giải thích.

Được biết, PMU đường Hồ Chí Minh nhiều năm nay được Bộ GTVT tin tưởng giao thực hiện nhiều dự án đường bộ qua khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhưng thời gian gần đây, thời tiết diễn biến cực đoạn, ảnh hưởng rất lớn tới các dự án. Cụ thể, năm ngoái, địa bàn Thừa Thiên Huế và Quảng Trị có tới 140 ngày mưa; từ đầu năm 2022 đến nay, ở đây đã có hơn 100 ngày mưa...Trên công trường, các đơn vị điều hành dự án không còn cách nào khác là phải thay nhau… “canh trời” để thi công.

Ông Nguyễn Vũ Quý - Giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh: “Nhà thầu thi công vừa làm, vừa phải “canh trời” để tránh mưa”

Ông Nguyễn Vũ Quý - Giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh: “Nhà thầu thi công vừa làm, vừa phải “canh trời” để tránh mưa”

“Nhiều năm lăn lộn với các công trình ở miền Trung, chúng tôi hiểu rõ quy luật mưa, gió nơi này. Nhưng gần đây, thời tiết rất khó đoán định. Ví dụ năm nay, sau Tết âm lịch đến tận đầu hè rồi, mà trời vẫn mưa!”, ông Quý nói và cho biết thêm, dù điều kiện tự nhiên như vậy các nhà thầu cũng không “bó gối” mà phải theo sát diễn biến mưa, lũ của địa phương, thậm phải nắm thời tiết ở từng gói thầu, từng đoạn với chiều dài trên dưới chục cây số để điều hành việc dừng, nghỉ hay thi công cho phù hợp.

“Ở Dự án Cam Lộ - La Sơn, phía Huế mưa nhiều hơn Quảng Trị. Vì thế, để đảm bảo tiến độ tổng thể của dự án, chúng tôi phải nghe thời tiết rồi bố trí xe máy, thiết bị từ những vị trí đang có thời tiết không thuận đến những nơi tạnh ráo để làm bù tiến độ, chứ dứt khoát không nằm chờ ngớt mưa”, ông Quý nói.

Với quyết tâm như vậy, đến thời điểm này, Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã hoàn thành hơn 94% giá trị hợp đồng, và chắc chắn sẽ là một trong bốn dự án thành phần của giai đoạn 1 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong tháng 11 năm nay.

Cam Lộ - La Sơn là 1 trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1, được khởi công từ tháng 9/2019. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng hơn 7.000 tỷ đồng. Điểm đầu giao với Quốc lộ 9 (thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) và điểm cuối nối vào cao tốc La Sơn-Túy Loan (xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Đọc thêm