Bên cạnh việc đánh giá toàn diện kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp đơn giản hóa chế độ báo cáo đang làm đau đầu không ít đơn vị.
Trong thời gian qua, việc triển khai công tác báo cáo đã kịp thời phục vụ hoạt động phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tạo cơ sở đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) Ngô Hải Phan, việc thực hiện chế độ báo cáo trong cơ quan hành chính bộc lộ nhiều bất cập như số lượng báo cáo nhiều kéo theo thời gian xây dựng, xử lý báo cáo chiếm một tỷ trọng rất lớn trong tổng thời gian làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước. Việc phải làm nhiều báo cáo trên thực tế gây không ít khó khăn cho các cơ quan hành chính nhà nước trong bố trí cán bộ, thời gian, chi phí thực hiện.
Dẫn chứng cụ thể, bà Nguyễn Thị Bích Ngân (Cục Kiểm soát TTHC) cho biết, năm 2015, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tổng cộng 2.054.776 báo cáo (được in thành 5.361.311 bản). Tính bình quân, mỗi bộ, ngành phải thực hiện 198 báo cáo. Trong đó, nhiều nhất là Bộ Giao thông Vận tải thực hiện 2.262 báo cáo, ít nhất là Ủy Ban dân tộc thực hiện 134 báo cáo.
Đối với địa phương, bình quân tổng lượng báo cáo một địa phương phải thực hiện tại các cấp hành chính là 2.521 báo cáo với nhiều tần suất báo cáo khác nhau. Trong đó, cấp tỉnh thực hiện 1.949 báo cáo, cấp huyện 534 báo cáo, cấp xã 138 báo cáo. Tất cả các bộ, ngành, địa phương đều phản ánh khối lượng báo cáo hàng năm quá nhiều, chiếm thời gian thực hiện nhiệm vụ rất lớn, tạo “gánh nặng” cho đội ngũ cán bộ, công chức đơn vị.
Vì vậy, ông Phan nhấn mạnh sự cần thiết nghiên cứu đơn giản hóa chế độ báo cáo để bảo đảm có nguồn thông tin nhanh, kịp thời, đầy đủ, chính xác, đồng thời giảm tải báo cáo cho các cơ quan hành chính nhà nước. Tại Quyết định số 225/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp nhiệm vụ chủ trì xây dựng Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Theo ông Phan, Đề án là một trong những nội dung gắn liền với chủ trương cải cách và hiện đại hóa nền hành chính của Nhà nước ta, thiết thực hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.
Cũng trăn trở với thực trạng trên, ông Vũ Tuấn Anh (Cổng thông tin điện tử Chính phủ) cho rằng phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác báo cáo tại các cơ quan hành chính nhà nước. Có điều, ông Tuấn Anh đề nghị nghiên cứu xây dựng văn bản quy định về tính pháp lý của báo cáo điện tử bởi hiện nay báo cáo điện tử nhiều khi chỉ là nguồn tham khảo. Bà Nguyễn Thị Hà (Học viện Hành chính Quốc gia) thì đề xuất quy định việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo được xem là một trong những tiêu chí xem xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch, bình xét các danh hiệu thi đua hàng năm của cá nhân, tổ chức, đơn vị.