Giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp: Quy định phải tường minh

(PLO) - Trao đổi tại Tọa đàm trực tuyến “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) tư nhân phát triển” do Cổng thông tin điện tử  Chính phủ tổ chức hôm qua (23/8), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, để DN hoạt động không thể không có chi phí, nhưng quan trọng các quy định phải tường minh để DN thực hiện…
Giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp: Quy định phải tường minh

Gánh nặng chi phí

“Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017 cho thấy, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản vẫn cao so với các nước trong khu vực ASEAN. DN Việt Nam cũng phải chịu chi phí nộp thuế cao trong khu vực ASEAN, ở mức 39,1% so với lợi nhuận và cao hơn 2 lần so với Singapore. Ngoài ra, chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các DN Việt Nam cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines.

Tỏ ra nghi ngại về con số đưa ra, song Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng: “Nếu đúng thì đây là điều chúng ta hết sức lo ngại”.

Đồng tình với con số mà WB đưa ra, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW (CIEM) cho rằng, cách làm của WB là không dựa nhiều vào quy định pháp luật mà dựa vào thực tế, thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật. “Ví dụ, để thực hiện một thủ tục hành chính (TTHC), luật có thể quy định 3 - 5 ngày nhưng trên thực tế  khi họ đo lường DN thì đi thực hiện một TTHC có thể kéo dài từ 7 -10 ngày, thậm chí cao hơn...” - ông Hiếu phân tích.

Tuy nhiên, Phó Viện trưởng CIEM lo ngại hơn cả là chi phí về thời gian và chi phí về cơ hội. “Con số đấy tôi nghĩ nó lớn hơn rất nhiều với con số chính thức. Ví dụ nếu thực hiện TTHC mất 10 ngày và mỗi DN mất 1 người đi thực hiện thủ tục đó thì nhân ra tiền khoảng 200.000 đồng/người/ngày, vậy chi phí cho khoảng 500.000 DN cho 1 TTHC lên đến hàng trăm tỷ. Vậy chi phí chính thức mà ít khi chúng ta lượng hóa được lại là một con số rất lớn...” - ông Hiếu bình luận.

Điều tra của VCCI năm 2016 với câu hỏi “anh có phải trả chi phí phi chính thức hay không” thì hơn 60% DN được hỏi  trả lời là có.

Cho rằng DN hoạt động phải có chi phí, song Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng cho rằng việc DN gia nhập hay rút khỏi thị trường là một hoạt động hết sức bình thường. Không phải tất cả DN nào rút khỏi thị trường đều do không chịu được chi phí nhưng cũng có DN không chịu được chi phí nên họ rút ra. 

Khẳng định đối với chi phí chính thức, có rất nhiều dư địa mà các cơ quan quản lý nhà nước có thể làm được, song Thứ trưởng Đông vẫn lưu ý: “Quan trọng là các quy định về chi phí phải tường minh, cụ thể để DN thực hiện…”. Ông dẫn chứng, ở các nước, làm thủ tục xin thị thực mở một sản phẩm vào một quốc gia nào đó, họ có rất nhiều thủ tục, nhưng cũng rất cụ thể, minh bạch, nhưng với Việt Nam, nhiều quy định mang tính định tính nên phát sinh những chi phí không chính thức mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi là “tham những vặt”.

“Để giải quyết tham nhũng vặt, phải giảm thiểu sự giao tiếp trực tiếp giữa con người với con người trong các hoạt động hành chính thực hiện tuân thủ pháp luật của DN. Tôi muốn nói cụ thể hơn là chính sách rất mạnh mẽ của Chính phủ nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới là xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công thông qua trực tuyến, hồ sơ càng được xử lý thông qua mạng bao nhiêu thì càng giảm thiểu tham nhũng và chi phí phi chính thức bấy nhiêu…” - Thứ trưởng Đông đề nghị.

Thứ trưởng lưu ý: Cả chi phí chính thức và phi chính thức phải làm rất mạnh mẽ, quyết liệt, phải đối thoại giữa các cơ quan nhà nước với nhau, không lảng tránh, vì lợi ích chung và phải công khai hóa. “Nêu vấn đề ra rồi nhưng nếu chúng ta không bàn đến giải pháp, dành đủ thời gian bàn ra giải pháp thì mọi thứ chúng ta cứ nêu ra rồi để đấy…”, Thứ trưởng nói.

Cần cơ quan trung gian để rà soát điều kiện kinh doanh

Báo cáo tại cuộc họp về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá xuất nhập khẩu ngày 21/8 vừa qua cho thấy, hiện có 5.917 điều kiện kinh doanh của các bộ tại các cửa khẩu, 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, mỗi năm DN phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng để làm các thủ tục này. Tuy nhiên, tình trạng kiểm tra nhiều, phát hiện vi phạm chẳng bao nhiêu.

“Tôi nghĩ rằng, không chỉ giảm chi phí mà còn cần giảm cả thời gian giải quyết các TTCH đang rất phiền hà, quấy nhiễu DN, làm nản lòng các DN, nhất là các DN mới ra đời…” - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, ông Ngô Văn Điểm đề nghị.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng tỏ ra băn khoăn khi nhìn ở mức độ kiểm soát chặt chẽ như vậy, nhưng trên thực tế hàng giả, hàng nhái ra thị trường rất nhiều. “Vấn đề quan trọng hơn là quản lý giúp cho ai phát triển và siết ai? Các nước đều cam kết mở cửa thị trường nhưng có những hàng rào kỹ thuật cực kỳ thông minh và tinh vi mà không giảm chất lượng hàng hóa, giúp DN trong nước phát triển, còn DN nước ngoài vào cũng khó khăn. Đây là câu chuyện phải làm rõ…” - Thứ trưởng đề nghị.

Không đưa ra con số cụ thể, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, với những rà soát sơ bộ, ít nhất từ 1/3 – 1/2 điều kiện kinh doanh nói chung có thể xem xét cắt bỏ. “Nếu với cách làm như hiện nay, tức là giao cho các bộ, ngành tự rà soát thì không hiệu quả, bởi ai ban hành ra các thủ tục đó? Vì vậy cần có cơ quan độc lập đứng lên rà soát, đối chiếu kết quả rà soát song song với kết quả rà soát của các các bộ, ngành, kết quả báo cáo lên Chính phủ…” - ông Hiếu đề nghị.

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, trong quá trình rà soát phải trả lời một câu hỏi: “Nếu bỏ quy định đó đi thì thiệt hại cho nền kinh tế, cho xã hội là cái gì?”. Nếu trả lời được sẽ có rủi ro như thế này thì phải tiếp tục trả lời câu thứ hai: “Vậy có giải pháp nào để quản lý tốt hơn không?”. Nếu không chỉ ra được giải pháp nào thì phải đưa ra các điều kiện về quản lý để cho DN tiếp tục thực hiện. Thứ ba, ngay cả hai câu hỏi kia đều cho câu trả lời bắt buộc phải ban hành thì cần giải quyết  vấn đề thứ ba, đó là khi ban hành chi phí quản lý có xứng đáng với chi phí lợi ích mang lại hay không? Để rà soát phải bám 3 câu hỏi trên đặt ra, nếu trả lời được ba câu hỏi đó cộng với việc làm rõ quy trình cho DN tuân thủ đối với cộng đồng DN nên tham gia thông qua các hiệp hội để phản ánh tiếng nói của mình và nhiệm vụ của các Hiệp hội nên tập trung nhiều hơn vào phản biện chính sách.

Đọc thêm