Còn 2.424 việc bán đấu giá tài sản không thành
Theo tổng hợp, đánh giá của Tổng cục THADS về danh sách bán đấu giá tài sản thành, chưa thành tại thời điểm 31/12/2019 thì việc bán đấu giá, việc giao tài sản bán đấu giá vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, kết quả bán đấu giá thành và giao được tài sản thấp (14,86% về việc, 15,82% về tiền) so với tổng số việc có tài sản được đưa ra bán đấu giá. Tình trạng chậm giao tài sản cho người mua đấu giá thành, số việc bị huỷ kết quả bán đấu giá vẫn xảy ra ở một số địa phương. Số việc phải định giá, bán đấu giá nhiều lần, trong đó có việc trên 20 lần nhưng không thành vẫn xảy ra nhiều và có tính chất phổ biến (2.424 việc, tương ứng hơn 6 ngàn tỷ đồng)…
Do đó, để nâng cao kết quả bán đấu giá, giao tài sản bán đấu giá thành trong thời gian tới, Tổng cục yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan TAHDS cần tăng cường giám sát Chấp hành viên trong việc lựa chọn, ký kết hợp đồng thẩm định giá, hợp đồng bán đấu giá tài sản đúng quy trình, thủ tục, đảm bảo minh bạch nhằm lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản có uy tín, chất lượng. Khi kê biên, xử lý tài sản, Chấp hành viên cần tăng cường giải thích, thuyết phục để các bên đương sự thoả thuận giá bán tài sản, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản uy tín nhằm hạn chế khiếu kiện phát sinh.
Các cơ quan THADS địa phương cần chủ động rà soát, lập danh sách tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản có đủ điều kiện đăng tải lên Cổng/Trang thông tin của Tổng cục, Cục THADS. Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính trong việc kiểm tra, giám sát đối với thực hiện các hợp đồng định giá với Chấp hành viên. Chủ động, thường xuyên phối hợp với Sở Tư pháp trong thanh tra, kiểm tra đối với những đơn vị có dấu hiệu thiếu minh bạch, tiêu cực trong thực hiện trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản.
Đối với 2.424 việc bán đấu giá tài sản không thành, Tổng cục THADS cũng có những chỉ đạo cụ thể. Theo đó, đối với tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành, Chấp hành viên xử lý theo quy định tại Điều 104 Luật THADS. Với các việc kê biên không đúng hiện trạng tài sản, Thủ trưởng cơ quan THADS chỉ đạo Chấp hành viên căn cứ từng vụ việc cụ thể để hướng dẫn các bên đương sự thoả thuận, thống nhất biện pháp xử lý hoặc phối hợp các cơ quan liên quan để xác minh, làm rõ hiện trạng tài sản và tiếp tục làm thủ tục định giá, bán đấu giá theo quy định.
Trường hợp tài sản bị hư hỏng, mất giá trị hay tính năng sử dụng, cơ quan THADS cần tiến hành đánh giá, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của những người liên quan đồng thời hướng dẫn các bên đương sự hướng giải quyết, nếu không thoả thuận được thì áp dụng biện pháp phù hợp để xử lý.
Kiên quyết áp dụng các biện pháp để giao tài sản.
Về việc xử lý tài sản đã đấu giá thành chưa giao được, Thủ trưởng cơ quan THADS chỉ đạo Chấp hành viên kiên quyết áp dụng các biện pháp cần thiết để giao tài sản. Theo đó, đối với việc chưa nhận được sự đồng thuận của các cơ quan địa phương, Chấp hành viên cần làm rõ nguyên nhân từ đó tìm giải pháp khắc phục. Đối với việc đương sự chống đối quyết liệt, Cục trưởng, Chi cục trưởng THADS chỉ đạo Chấp hành viên tiến hành xác minh, cung cấp đầy đủ thông tin và phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, chính quyền để xây dựng phương án cưỡng chế đảm bảo an toàn.
Trường hợp xảy ra khiếu nại, tố cáo mà người có thẩm yêu cầu dừng việc thi hành án để giải quyết khiếu nại, tố cáo thì Thủ trưởng cơ quan THADS cần kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo của đương sự. Đối với việc đã quá hạn mà người mua chưa nộp đủ tiền theo quy định của Luật THADS và Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì Chấp hành viên xử lý hoặc đề nghị xử lý theo quy định.
Thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn trên của Tổng cục THADS, các Cục THADS địa phương đã kịp thời ban hành Công văn yêu cầu Trưởng các phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục THADS các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung về việc thẩm định giá, bán đấu giá, giao tài sản bán đấu giá thành. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh, cần phản ánh kịp thời về Cục THADS để kịp thời hướng dẫn.