Giảm tác hại thuốc lá: Được khẳng định phù hợp với Công ước Khung FCTC

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xây dựng Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) với sự tham gia của 193 quốc gia, trong đó Việt Nam là một trong các nước thành viên và việc giảm tác hại thuốc lá được khẳng định là phù hợp với Công ước này.

Theo đó, FCTC cũng đã đưa ra chiến lược phòng chống thuốc lá toàn cầu cần thực hiện đồng thời trên 3 hướng tiếp cận: giảm cung từ nhà sản xuất, giảm cầu từ người hút và giảm tác hại do thuốc lá gây ra.

Dựa trên thực tiễn tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn còn cao, nhiều quốc gia đã và đang coi trọng vai trò của giảm tác hại thuốc lá nhiều hơn trong chính sách y tế công cộng. Ngoài các nước tại châu Âu, New Zealand và Philippines là những quốc gia tiếp theo xem xét đưa mục tiêu giảm thiểu tác hại thuốc lá vào chính sách của mình.

Các quốc gia thành viên FCTC thừa nhận giảm thiểu tác hại thuốc lá trong y tế công

Công ước Khung FCTC đưa ra chiến lược toàn diện nhằm hướng đến mục tiêu giảm tác hại thuốc lá trên toàn cầu, trong đó bao gồm giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Đến nay, WHO đã và đang triển khai mạnh mẽ trong việc kêu gọi các Chính phủ tăng thuế để giảm nguồn cung thuốc lá điếu, hướng dẫn người dùng cai nghiện để giảm nhu cầu.

Đối với hướng giảm tác hại, dù chưa có hướng dẫn cụ thể từ WHO nhưng có không ít nước đã chính thức áp dụng và đưa giải pháp này vào chiến lược kiểm soát thuốc lá của quốc gia.

Thuốc lá làm nóng đã được nhiều nước thành viên FCTC cấp phép lưu hành.

Thuốc lá làm nóng đã được nhiều nước thành viên FCTC cấp phép lưu hành.

Cụ thể, bà Robyn Gougelet, thành viên tổ chức Pinney Associates và tư vấn về chiến lược chính sách pháp luật và quản lý y tế công cộng cho các nỗ lực giảm tác hại của thuốc lá tại Hoa Kỳ cho biết, cả Philippines và New Zealand đều sắp thông qua luật công nhận hướng tiếp cận giảm thiểu tác hại thuốc lá trong chiến lược y tế công cộng của họ. Hạ viện Philippines thông qua dự luật điều chỉnh thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng).

Tại New Zealand sẽ triển khai luật kiểm soát thuốc lá có sự phân biệt rõ giữa các sản phẩm thuốc lá đốt cháy và không đốt cháy (các sản phẩm thuốc lá không khói). Các chuyên gia cho rằng, đó là cách đúng đắn khi nhìn nhận về Công ước Khung FCTC.

Bà Robyn Gougelet cũng cho biết thêm: “Dự luật của Quốc hội Philippines đề cập giảm thiểu tác hại chính là hướng tiếp cận cốt lõi của mọi vấn đề liên quan đến kiểm soát thuốc lá. Dự luật này đóng vai trò rất lớn, bởi bất kỳ ai quan tâm đến giải pháp giảm thiểu tác hại đều mong muốn đạt được điều này”.

Ngoài ra, bà Gougelet cũng đã trình bày quan điểm này trong phiên thảo luận “Quy định quản lý sản phẩm có chứa nicotin an toàn hơn: Ủng hộ hay Bài trừ việc chấm dứt thuốc lá điếu?” trong Diễn đàn Toàn cầu về nicotin được tổ chức trực tuyến tại Liverpool, Anh quốc vào tháng 6/2021.

Hiện nay, nếu chỉ tính riêng sản phẩm thuốc lá làm nóng của một doanh nghiệp đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ cho phép tiếp thị với chỉ định giảm thiểu phơi nhiễm (MRTP), thì sản phẩm của công ty này đã được lưu hành tại 67 quốc gia trên thế giới và đang được dự kiến sẽ đạt được 100 quốc gia trước năm 2025.

Mặc dù chính sách của các quốc gia với loại sản phẩm này là khác nhau, song những quốc gia đi trước trong việc chấp nhận thuốc lá làm nóng như Nhật, Mỹ, Đức và các quốc gia châu Âu khác đã cho thấy những kết quả tích cực của sản phẩm đối với sức khỏe cộng đồng.

Việt Nam có thể sẽ đưa các sản phẩm giảm thiểu tác hại vào kiểm soát

Việt Nam là một trong 15 quốc gia hút thuốc lá cao nhất thế giới. Do vậy, một khảo sát người hút thuốc lá được thực hiện trong tháng 5 vừa qua của một tờ báo điện tử đã đưa ra kết quả cần được xem xét.

Theo đó, có hơn 90% người đang có nhu cầu tìm đến các giải pháp giảm tác hại thuốc lá. Khảo sát cũng cho thấy cai thuốc là điều dễ thất bại hơn thành công. Có rất nhiều khó khăn cho việc cai thuốc của người hút, từ những yếu tố liên quan đến áp lực công việc và cuộc sống, bạn bè, cộng đồng xung quanh vẫn sử dụng, đến cảm giác thèm và nhớ thói quen cầm điếu thuốc trên tay…

Nhiều hội thảo liên ngành được tổ chức để xem xét chính sách phù hơp cho thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam.

Nhiều hội thảo liên ngành được tổ chức để xem xét chính sách phù hơp cho thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam.

Những con số này cho thấy hầu hết người hút thuốc đều nhận thức được nguy cơ của khói thuốc lá đến bản thân và cộng đồng xung quanh nhưng không muốn cai bỏ thuốc lá vì nhiều lý do và không thể chỉ phụ thuộc vào ý chí của người hút.

Giải pháp giảm thiểu tác hại từ các sản phẩm cung cấp nicotin thay thế như thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử đã phổ biến trên thế giới và mặc dù có nhu cầu rất lớn tại Việt Nam, giải pháp giảm thiểu tác hại thuốc lá ở Việt Nam vẫn chưa được thông qua vì đang phải chờ chính sách.

Liên quan đến thuốc lá thế hệ mới nói chung và thuốc lá làm nóng nói riêng, trong 4 năm qua, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan đề xuất chính sách phù hợp để quản lý thuốc lá thế hệ mới như một phần chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá của quốc gia.

Trong thời gian này, nhiều hội thảo liên ngành đã được tổ chức. Các bộ và các cơ quan ngang bộ cũng được tham vấn và lấy ý kiến. Tháng 10/2020, yêu cầu của Chính phủ một lần nữa được nhắc lại kèm thời hạn “trình báo cáo đề xuất cho Chính phủ vào tháng 12/2020”.

Tuy nhiên, gần đây nhất, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã chia sẻ về tiến độ chỉ đạo của Chính phủ khi trả lời với báo chí. Theo đó, Bộ cũng đang tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, và phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, phù hợp thông lệ quốc tế.

Rõ ràng, không chỉ người hút thuốc hay nhà sản xuất – kinh doanh thuốc lá mà các cơ quan quản lý thị trường, hải quan… đều rất cần một chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới sớm được ban hành. Việc các nước như Philippines, New Zealand, Uruguay và nhiều quốc gia khác thay đổi cách nhìn về quản lý thuốc lá làm nóng cũng là điều rất đáng được xem xét đối với chính sách y tế công cộng tại Việt Nam.

Đọc thêm