Giảm tải bệnh viện: Chờ đến bao giờ?

 Ngày mới nhậm chức, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã khẳng định sẽ tìm mọi cách để “hạ nhiệt” tình trạng quá tải tại các bệnh viện (BV). Thế nhưng, một nhiệm kỳ đã trôi qua, lời hứa đó vẫn chỉ là ý tưởng...

Ngày mới nhậm chức, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã khẳng định sẽ tìm mọi cách để “hạ nhiệt” tình trạng quá tải tại các bệnh viện (BV). Thế nhưng, một nhiệm kỳ đã trôi qua, lời hứa đó vẫn chỉ là ý tưởng...

Quá tải tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai.

Khốn khổ bệnh nhân, cực thân bác sỹ

Là phóng viên theo dõi mảng y tế, tôi đã quá hiểu về tình trạng quá tải BV nhưng mỗi khi vào BV viết bài, lấy tin; hoặc đưa con đi khám bệnh, thăm người thân ốm, tôi vẫn không khỏi choáng váng và đau lòng khi chứng kiến những cảnh tượng này.

BV nào càng nổi tiếng, tình trạng quá tải càng trầm trọng. Một trong những “điểm nóng” về quá tải phải kể đến BV Bạch Mai. Mặc dù BV đã áp dụng rất nhiều các giải pháp (giảm ngày điều trị, làm ngoài giờ, áp dụng bảng điện tử trong khám chữa bệnh...) nhưng quá tải vẫn hoàn quá tải. Những khoa có số lượng BN đông phải kể đến: Trung tâm Y học hạt nhân và điều trị u bướu (công suất sử dụng giường bệnh thực tế 210%); Khoa Truyền nhiễm (192%); thận tiết niệu (191%)... Khoa Thần kinh của BV lúc nào cũng nêm chặt những người. Hầu như giường nào cũng ghép ba, ghép bốn...

Có lần, vào thăm bà bác họ bị tai biến mạch máu não, tôi đã hoa mắt, chóng mặt khi phải lần tìm bác trong biển người đông như kiến nằm la liệt trong phòng bệnh. Mò mãi mới ra số điện thoại thì mới biết bác không chịu nổi cảnh sinh hoạt thiếu thốn, vạ vật, khổ sở trong BV nên phải “trốn viện” về nhà nằm.

Mới đây, cũng tại khoa này, cô em chồng tôi bị rối loạn tiền đình phải xuống đây khám. Vì bệnh tình tương đối nặng nên em chồng tôi phải nhập viện. Không có bảo hiểm ở BV Bạch Mai nên em tôi phải khám chữa bệnh tự nguyện. Cũng không chịu nổi cảnh nằm chung chạ 3, 4 người một giường, em đành chọn giải pháp: Tối về nhà tôi nghỉ ngơi, sáng mai lại vào viện tiêm, truyền... Khổ nỗi “không nằm viện” nhưng, tiền giường bệnh vẫn thanh toán đều đặn hàng ngày “như vắt chanh”...

Đâu chỉ người bệnh khổ, người nhà bệnh nhân (BN) khổ, BV và các bác sỹ (BS) cũng chả sung sướng gì. Theo phản ánh của BS Nguyễn Văn Khẩn, BV Nhi Đồng 2, BV luôn trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. BV chỉ có 1.200 giường bệnh nhưng luôn phải “gánh” từ 1.500 tới 1.600 BN. Điều đó đồng nghĩa với việc 1 BS phải phụ trách từ 100-130 BN.

BV quá tải nên “chất lượng chăm sóc, điều trị cho BN không thể cao được, dẫn đến thái độ không hay ho của BS, nhân viên y tế, rồi sai sót trong quá trình xét nghiệm”... Để phục vụ nhu cầu ngày càng  tăng của BN, BV chỉ còn cách “giật chỗ này vá vào chỗ kia” rồi “tuyển thêm BS, điều dưỡng...”, nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu - BS Khẩn phàn nàn.

Giám đốc BVĐK tỉnh miền núi Hòa Bình, BS Trương Quý Dương cũng bức xúc cho hay, là tỉnh miền núi nhưng BV cũng không thoát khỏi tình trạng quá tải BN với công suất BN lúc nào cũng đạt mức 130-140%. Theo ông Dương, thực tế BV TƯ nào cũng kêu quá tải, nhưng BV nào “cũng thích quá tải” vì “thu nhập của các BS TƯ trông vào sự quá tải đó”...

Giảm tải BV - giải pháp nhiều kết quả chẳng bao nhiêu

Rõ ràng, quá tải BV là bài toán mà ngành y tế phải giải. Nhưng giải được bài toán này không đơn giản chút nào. Ngày mới nhậm chức, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã khẳng định sẽ tìm mọi cách để “hạ nhiệt” tình trạng quá tải tại các BV. Thế nhưng, một nhiệm kỳ đã trôi qua, lời hứa đó vẫn chỉ là ý tưởng... Vẫn với mục đích giảm tải BV, Bộ chủ quản vừa đưa vấn đề này ra thảo luận, bàn bạc. Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đã được đưa ra. Vô vàn giải pháp cũ, mới cũng đã được mang ra bàn cãi.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự án BV vệ tinh (BV Việt Đức) hay đề án đưa cán bộ TƯ về hỗ trợ cho tuyến dưới... là mô hình rất tốt nhưng vẫn khổng thể giải quyết được vấn đề, bởi thực tế người dân vẫn muốn được khám chữa bệnh ở những nơi có điều kiện tốt nhất. Do đó, nếu không phân tuyến điều trị rõ ràng, tình trạng quá tải sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Nhiều người đưa ra quan điểm: Đây là vấn đề xã hội nên phải giải quyết bằng giải pháp xã hội, bằng cơ chế, chính sách chứ không nói suông được.

Theo ông Bùi Đức Dương - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, để giảm tải BV nên mở rộng điều trị ngoại trú cho BN vì hiện tại số BN nội trú mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao... đang gia tăng, trong khi đó các bệnh này hoàn toàn có thể điều trị ngoại trú được với điều kiện chăm sóc và dự phòng cho BN thật tốt.

Tán đồng các quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng hiến kế: Kể cả các BV TƯ quá tải nhiều (BV K; BV Bạch Mai, Việt Đức...) hay các BV phụ sản địa phương đều có thể học hỏi kinh nghiệm của BV Phụ sản TƯ trong việc đưa mô hình chăm sóc cho BN ngoại trú tại nhà. Cụ thể, theo ông Tiến cho hay, việc mỗi ngày chăm sóc ngoại trú cho 100 BN của BV đã giúp giảm 300-400 BN và người nhà đến BV/ngày...

BS.Đinh Văn Hoàng - Giám đốc BVĐK Nam Định thì lại cho rằng, để hạn chế BN vượt tuyến, trước tiên cần quy định lại việc chi trả quỹ BHYT. “BV trên thì được chi trả nhiều, BV dưới được chi trả ít, BN không kéo lên tuyến trên mới lạ” - BS.Hoàng kêu ca. Cũng có ý kiến đề xuất, xây thêm BV, bổ sung trang thiết bị, nhưng theo BS.Hoàng, việc xây thêm BV mà không phát triển nhân lực thì sẽ không đủ nhân lực để phục vụ, bổ sung trang thiết bị nhưng không đào tạo BS thì không có người sử dụng trang thiết bị đó.

Để giải bài toán trên phải có một lộ trình hợp lý và phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như đã nói ở trên. Các giải pháp đó dù ít, dù nhiều đều đã được nêu ra, được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, kết quả của nó vẫn chưa thấy đâu. Thực tế, theo phản ánh của chính những người trong ngành: Các giải pháp nếu không là lý thuyết thì cũng không được thực hiện triệt để. Mà không thực hiện “đến nơi đến chốn” thì khó mà có kết quả được. Và như thế, người dân chỉ còn biết "kêu trời" và dài cổ ngóng đợi sự “hạ nhiệt” của “cơn sốt” quá tải BV.

Hải Long

Đọc thêm