Đó là nội dung được nêu tại Điều 14 của Thông tư 01/2021/TT-BTP do Bộ Tư pháp ban hành ngày 3/2/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng. Thông tư 01/2021/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 26/3/2021 và thay thế Thông tư 06/2015/TT-BTP.
Ngoài quy định về thời gian tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm của công chứng viên, cũng từ ngày 26/3, nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm sẽ được bổ sung thêm. Theo đó, nội dung bồi dưỡng nghề công chứng hàng năm sẽ gồm một hoặc một số vấn đề bao gồm: Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật về công chứng và các quy định pháp luật khác có liên quan; kỹ năng hành nghề công chứng; kỹ năng giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình hành nghề công chứng; Kỹ năng quản lý, tổ chức và điều hành tổ chức hành nghề công chứng.
Theo Thông tư số 01, công chứng viên thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được công nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ trong năm đó: Có bài nghiên cứu pháp luật công chứng và pháp luật có liên quan đến công chứng đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật trong nước hoặc nước ngoài; viết hoặc tham gia viết sách, giáo trình về công chứng đã được xuất bản. Tham gia giảng dạy về công chứng tại Học viện Tư pháp; giảng bài tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do các tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 13 của Thông tư 01/2021/TT-BTP thực hiện. Tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công chứng ở nước ngoài. Là báo cáo viên trong các chương trình tập huấn, hội thảo, tọa đàm về các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 12 của Thông tư 01/2021/TT-BTP do Cục Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp tổ chức.
Trường hợp công chứng viên không phải là báo cáo viên mà tham dự các chương trình tập huấn, hội thảo, tọa đàm kể trên thì 1 ngày tham dự được tính là 8 giờ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ, từ 2 ngày trở lên được tính là hoàn thành nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ. Cục Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp cấp văn bản chứng nhận cho công chứng viên, trong đó nêu rõ số ngày tham dự.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng, Công chứng viên sẽ được cấp một số Giấy tờ xác nhận, sau đó Công chứng viên phải nộp bản sao một trong các giấy tờ theo quy định cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hành nghề chậm nhất là ngày 15/12 hàng năm để lập danh sách hoàn thành nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ trong năm đó. Sở Tư pháp đăng tải danh sách công chứng viên hoàn thành nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ và danh sách công chứng viên được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ trong năm trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp chậm nhất là ngày 31/12 hàng năm.
Nếu công chứng viên vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, bị xử phạt vi phạm hành hành chính theo quy định của pháp luật. Còn các tổ chức thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ (bao gồm Hội công chứng viên, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam; Học viện Tư pháp) vi phạm quy định của Thông tư này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Thông tư còn nêu rõ các trường hợp được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ trong năm gồm: Công chứng viên nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; Công chứng viên phải điều trị dài ngày tại cơ sở khám chữa bệnh đối với những bệnh thuộc danh mục bệnh chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế từ 03 tháng trở lên, có giấy chứng nhận của cơ quan y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên.